Gia đình Thứ 5, 26/11/2020 20:46:23 PM Theo Ngôi sao
Khi Ngân Hằng mới học cấp 2, chị Thu Hà (Hà Nam) đã dẫn con đi khắp tỉnh làm từ thiện, rồi tiếp tục ủng hộ con thành lập câu lạc bộ giúp đỡ trẻ mắc hội chứng Down.
Kinh doanh cửa hàng chăn ga gối đệm nhưng cứ dịp cuối tuần, chị Nguyễn Thị Thu Hà (50 tuổi, sống tại thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam) lại tạm gác công việc, sửa soạn đồ đạc để chờ con gái về đi thăm các em nhỏ bị Down. Con gái chị - Trần Ngân Hằng, hiện là sinh viên năm nhất Đại học Kinh tế Quốc dân, nhưng đã nổi tiếng với dự án "Nâng cao nhận thức cộng đồng đối với trẻ mắc hội chứng Down". Hằng cũng là người lập ra câu lạc bộ thiện nguyện "Giúp đỡ trẻ em khuyết tật trí tuệ" tại Hà Nam khi mới 17 tuổi. Công việc cộng đồng nhiều vất vả, đôi khi "ấm ức" vì không được thấu hiểu nhưng cũng đem đến cho hai mẹ con Thu Hà - Ngân Hằng niềm hạnh phúc thực sự.
Hậu phương vững chắc cho con gái
Ngay từ khi còn trẻ, chị Thu Hà đã chứng kiến cảnh nhiều đời khó khăn và cảm thấy rất xót xa. Tới khi lập gia đình, chị may mắn gặp được ông xã đồng cảm nên hai vợ chồng chị cứ rảnh rỗi là lại tham gia các chuyến đi từ thiện giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn.
Chị sinh con gái Ngân Hằng và như thừa hưởng được nhiều đức tính của bố mẹ, em từ nhỏ đã ham học hỏi, biết lắng nghe, tìm hiểu cuộc sống qua những trang sách, những câu chuyện trên tivi hay đơn giản là qua chiếc radio của bố. Hằng là học sinh giỏi, ưu tú của trường nhiều năm.
Gia đình luôn là hậu phương vững chắc cho các hoạt động thiện nguyện của Ngân Hằng. |
"Ngay từ khi Hằng còn học cấp 2 gia đình đã đã dạy cho Hằng về tình yêu thương con người, đồng loại, sống yêu thương, nhân ái, chan hòa với tất cả mọi người. Mỗi khi Hằng rảnh rỗi, 2 vợ chồng thường dẫn con tham gia những chuyến tình nguyện cùng. Cũng từ đó Hằng học được tình thương người, khi nào không vướng lịch học ở trường Hằng lại xin đi theo cùng bố mẹ", chị Hà chia sẻ.
Nhắc đến dự án giúp trẻ em mắc Hội chứng Down hòa nhập cộng đồng được con gái và bạn cùng lớp thực hiện, chị Hà cho biết, cơ duyên bắt nguồn trong một lần Hằng cùng gia đình về Thanh Liêm chơi. Ngân Hằng đã gặp rất nhiều em nhỏ mắc Hội chứng Down không thể giao tiếp, hòa nhập với cộng đồng. Bên cạnh đó, gia đình các em lại có hoàn cảnh khó khăn, không có khả năng cho các em đi học các lớp chuyên biệt.
Con gái cô Hà bắt đầu từ lúc đó bỗng thấy chạnh lòng, thương cảm cho những số phận không may mắn. "Con chia sẻ với tôi rằng, con thấy các em rụt rè, sợ đông người, sợ giao tiếp nên chỉ dám quanh quẩn trong nhà. Thậm chí có những em đã đến tuổi có thể đi học lớp 5 nhưng chưa từng gọi được tiếng bố/mẹ, chưa từng vui đùa cùng quả cầu, trái bóng... hay bị bạn bè cùng trang lứa trêu chọc... nhìn những em bị bệnh nép nép vào góc tường hoặc nép vào người thân khi thấy người lạ, khóe mắt con cay cay. Ước gì con có thể bao dung được tất cả các em ấy vào lòng", cô Hà nhớ lại.
Ngân Hằng (ngoài cùng bên phải) và các bạn trong câu lạc bộ cứ cuối tuần lại tổ chức các buổi sinh hoạt cho trẻ em mắc Hội chứng Down. |
Dự án "Nâng cao nhận thức cộng đồng đối với trẻ mắc hội chứng Down" của Ngân Hằng bắt đầu hình thành từ đó. Chị Thu Hà và chồng đồng hành cùng con từ "thuở sơ khai", hỗ trợ con hết mức có thể, cùng con vượt qua khó khăn để thực hiện được điều con ấp ủ. Đặc biệt, việc làm công tác tư tưởng với những gia đình có trẻ mắc bệnh Down vô cùng khó khăn. Vì nhiều phụ huynh có tư tưởng cho rằng, bản thân họ đã tiếp xúc, đồng hành với con mình từ nhỏ mà nhiều lúc còn cảm thấy khó khăn trong việc nuôi dạy, chỉ bảo con, nên họ không tin tưởng và giao con mình cho những học sinh mới chỉ 16-17 tuổi. Họ sợ người lạ chưa thể trông được con họ, sợ con mình có thể bị tổn thương khi tiếp xúc với những người xa lạ.
Thời gian đầu, Hằng và bạn đã mất khoảng 2 tuần đến 1 tháng để tuyên truyền, khiến gia đình những trẻ mắc Hội chứng Down hiểu hòa nhập là tốt, không những giúp trẻ nhỏ vui vẻ khi có thêm bạn bè, mà còn giúp các em phát triển hơn trong tư duy, nhận thức, thực hiện được những việc chưa bao giờ làm, tham gia những trò chơi chưa bao giờ chơi. Cuối cùng, Ngân Hằng cũng khiến các gia đình mở lòng.
Sau nhiều ngày nỗ lực không ngừng, dự án của Ngân Hằng dần hoàn thiện, được thầy cô đánh giá cao, và đạt giải Nhì cuộc thi Khoa học Kỹ thuật cấp tỉnh, sau đó là cấp Quốc gia dành cho học sinh Trung học năm học 2018-2019 với giải Nhì.
Cuối tháng 10/2018 sau khi dự án thành công về mặt lý thuyết, Hằng bắt tay vào thực tiễn, em cùng 5 người bạn khác lập lên Câu lạc bộ Thiện nguyện chuyên "Giúp đỡ trẻ em khuyết tật trí tuệ" nhằm giúp các em nhỏ mắc Hội chứng Down có cơ hội giao tiếp và tái hòa nhập với cộng đồng. Việc thành lập câu lạc bộ, Hằng giữ bí mật với bố mẹ. "Chỉ khi con thành lập xong xuôi rồi mới thông báo, khi ấy hai vợ chồng tôi cũng khá bất ngờ vì con mới 17 tuổi đã dám làm như vậy. Nhưng chúng tôi cũng rất vui và tự hào vì con đã làm được nhiều điều có ích cho xã hội", chị Thu Hà xúc động nói.
Khó khăn mấy cũng chưa từng nghĩ bỏ cuộc
Công việc thiện nguyện vốn đã khó, với một cô bé mới 17 tuổi càng khó khăn hơn. Lấy một ví dụ tiêu biểu cho những khó khăn khi tiếp cận trẻ em mắc Hội chứng Down và gia đình của các em ấy, chị Hà kể lại, thời gian khi Ngân Hằng mới bắt tay vào nghiên cứu dự án, có một trường hợp gần nhà cần giúp đỡ, bố mẹ bé bán cà phê. "Ban đầu khi đặt vấn đề trực tiếp, bố mẹ bé đó không đồng ý cho nhóm Ngân Hằng thực hiện, tôi và chồng còn bỏ công việc, chở con qua nhà vừa uống cà phê vừa tỉ tê, trò chuyện. Mất khoảng một thời gian dài bố mẹ bé đó mới tin tưởng giao con mình cho nhóm của Ngân Hằng", chị Hà nói.
Hoặc một câu chuyện khác về em bé tên Lâm (huyện Thanh Liêm, Hà Nam) là trẻ em bị khuyết tật trí tuệ, việc tiếp xúc hay nói chuyện với mọi người là vô cùng khó khăn. Nhà nghèo, chỉ trông cậy vào vài ba sào ruộng của mẹ nên Lâm hoàn toàn không có cơ hội được lên thành phố học lớp chuyên biệt dành riêng cho trẻ bị tự kỷ.
"Ngân Hằng kể, bố mẹ Lâm rất sợ sệt và lo lắng, không tin vào khả năng của nhóm trẻ, nên không tạo điều kiện, liên tiếp từ chối những lời đề nghị hợp tác. 'Có công mài sắt, có ngày nên kim', sau nhiều ngày kiên trì, nhẫn nại, Ngân Hằng và các bạn đã khiến gia đình Lâm an tâm giao nhiệm vụ", chị Thu Hà nhớ lại.
Từ một cậu bé chỉ biết núp mình vào góc tường, giờ đây Lâm có thể nhảy múa, đá bóng, chơi trò chơi với các bạn trong câu lạc bộ một cách tự tin.
Gia đình có trẻ mắc Hội chứng Down xúc động với những hoạt động và phần quà của câu lạc bộ. |
Cứ thế, từ những hoàn cảnh tương tự được giúp đỡ, nhóm của Hằng được nhiều gia đình tin tưởng, giao con. Định kỳ, câu lạc bộ sẽ tổ chức những buổi giao lưu phát quà vào cuối tuần, cùng các em nhỏ vui chơi, hoạt động ngoài trời, hướng dẫn các em làm những đồ dùng thủ công đơn giản để các em có thể tự kiếm tiền cho gia đình.
Ngoài ra, để xóa bỏ khoảng cách giữa trẻ em mắc Hội chứng Down và học sinh tiểu học ở huyện Thanh Liêm (Hà Nam), Ngân Hằng cùng nhóm bạn đã viết tập truyện ngắn mang nhiều thông điệp ý nghĩa, gồm một số cuốn như Những người bạn đặc biệt, Trẻ em mắc Hội chứng Down không thể thành có thể... để dành tặng cho các trường tiểu học trên địa bàn huyện, giúp các bạn học sinh hiểu và gần gũi hơn với những em nhỏ thiệt thòi này.
"Mặc dù Ngân Hằng đã đi học đại học, nhưng cứ cuối tuần rảnh con lại về trường cùng các bạn, các em tham gia những chương trình thiện nguyện. Bố Ngân Hằng mỗi khi được nghỉ làm cũng sẽ tự lái xe chở các bạn, đồng thời thuê thêm xe cho các con đi đến điểm thiện nguyện, vì đường xa rất nguy hiểm", cô Hà tâm sự.
Về phía mình, Ngân Hằng chia sẻ, bố mẹ đã ảnh hưởng rất lớn đến em. "Mẹ em hay đi từ thiện ở trong tỉnh và cũng rất hay quyên góp tặng quà cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Cho đến ngày hôm nay, mẹ cũng là người ủng hộ em trên con đường này. Thấy con gái đi đâu, mẹ cũng là người ủng hộ chăn ấm và cả tiền mặt cho câu lạc bộ đầu tiên. Còn bố em thì luôn đồng hành trong mọi chuyến đi của con gái, bố như là tài xế của câu lạc bộ, đến nỗi các bạn trong câu lạc bộ đã quá quen mặt với bố em. Nếu được nghỉ làm, bố sẽ chở cả CLB đi từ thiện... Những bài học về tình người cao quý đó, em luôn thấm thía và trở thành nguồn lực tinh thần để em có thể theo đuổi giấc mơ lan tỏa những giá trị tốt đẹp cho đời", Ngân Hằng hào hứng kể.
Nói về những dự định sắp tới, Ngân Hằng cho biết, bản thân sẽ vẫn tiếp tục xây dựng và phát triển các dự án thiện nguyện để giúp những người có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em mắc hội chứng Down hòa nhập với cộng đồng và trở thành một phần có ích cho xã hội, và phát triển hơn nữa những hoạt động giúp đỡ người neo đơn, người khó khăn khác. Ngoài ra, sắp tới Hằng sẽ tham gia một câu lạc bộ trực thuộc Đại học Kinh tế Quốc dân và tiếp tục ấp ủ cho những dự án thiện nguyện khác.
Bà Ứng Thị Đảm, Chủ tịch UBND phường Hai Bà Trưng, TP. Phủ Lý cho biết, gia đình cô Thu Hà là một gia đình gương mẫu đi đầu trong công tác thiện nguyện, lá lành đùm lá rách. Đặc biệt con gái út Ngân Hằng được ảnh hưởng tư tưởng từ bố mẹ rất nhiều, dự án giúp đỡ trẻ em mắc Hội chứng Down nổi tiếng khắp phường.
"Nhiều năm liên gia đình được phường công nhận là gia đình văn hóa, gia đình mẫu mực để nhiều người noi theo", bà Đảm chia sẻ.
Tin cùng mục Gia đình
Tin mới nhất