Luật Điện ảnh mới sẽ “bắt thóp” chiêu né kiểm duyệt của phim kinh dị như thế nào?

Hậu trường Thứ 5, 29/08/2019 23:51:08 PM Theo Hà Tùng Long (Dân trí)

Kinh dị và tâm linh... thường là những chủ đề được cho “nhạy cảm”. Vì thế, để đến được khán giả phải nhiều nhà sản xuất phim đã tìm đủ chiêu trò để lách luật, né tránh kiểm duyệt. Đó là lí do vì sao ngày càng có nhiều phim được sản xuất chỉ để phát trực tuyến.

Đã đến lúc phải cởi mở cơ chế kiểm duyệt

Trên thế giới, thể loại phim kinh dị và tâm linh luôn thu hút lượng lớn khán giả. Vì thế, nhiều nhà làm phim Việt Nam đã không bỏ lỡ cơ hội khai thác thể loại này. Tuy nhiên, nói như đạo diễn Phạm Bá Vũ là sản xuất và phát hành phim kinh dị ở Việt Nam rất khó. Nhiều nhà làm phim cảm thấy e ngại, không muốn vướng vào rắc rối vì chưa biết "lưỡi kéo" kiểm duyệt sẽ “thò” đến đâu nên thường né tránh thể loại này.

luat dien anh moi se “bat thop” chieu ne kiem duyet cua phim kinh di nhu the nao? hinh anh 1
ảnh trong phim "Thiên linh cái".


Cách đây không lâu, bộ phim “Thiên linh cái” bị buộc phải dời lịch chiếu để chỉnh sửa nhằm tiết chế bớt những phân đoạn ghê rợn và những đoạn nặng về yếu tố mê tín dị đoan sau khi đã được kiểm duyệt khiến giới làm phim một phen xôn xao. Trước đó, “Bẫy cấp 3” và “Rừng xác sống” của đạo diễn Lê Văn Kiệt cũng đã phải “đắp chiếu”, không thể ra rạp bởi không qua được khâu kiểm duyệt.

Tuy nhiên, không phải nhà làm phim nào cũng chịu “bó tay” bởi những điều tương tự. Bởi với nhiều đơn vị, phim kinh dị là “mảnh đất béo bở” để họ kiếm tiền và càng “khó” họ lại phải càng “khôn”. Từ chính điều này, nhiều nhà làm phim đã né tránh kiểm duyệt bằng cách không phát hành rộng rãi ở các rạp chiếu phim mà phát hành trực tuyến. Với chiêu thức này, nhà làm phim vừa không bị buộc phải cắt xén khiến phim “rách nát”, vừa không bị trói buộc bởi “cửa ải” kiểm duyệt.

Để cứu vãn thực tế này, Hãng phim Chánh Phương đề xuất rằng, cần phải cởi mở cơ chế duyệt phim thông thoáng, xoá bỏ rào cản về thuần phong mỹ tục để những nhà làm phim có thể tự do tư duy sáng tạo nghệ thuật, đa dạng về thể loại, nâng tìm điện ảnh Việt vươn ra thế giới. Muốn làm được điều đó, cần phải giải thích rõ khái niệm “thuần phong mỹ tục” trong việc duyệt kịch bản, duyệt phim vì đây là những từ chung chung, chưa rõ ràng, gây hoang mang, khiến nhà làm phim chưa làm đã sợ nhưng lại không biết mình đang sợ cái gì. Điều này rất phản sáng tạo đem đến những bộ phim nhàm chán và lặp lại. Dẫn đến tình trạng khán giả sẽ chọn phim nước ngoài thay vì xem phim Việt hoặc xem phim trên mạng thay vì ra rạp xem phim.

“Thay đổi khuynh hướng kiểm duyệt bảo thủ, an toàn, giảm thiểu sự kiềm toả tính sáng tạo đột phá trong tác phẩm điện ảnh, tăng thu hút khán giả yêu phim hơn. Công khai giới thiệu các thành viên trong Hội đồng thẩm định/kiểm duyệt để cùng chia sẻ và tham vấn đối thoại với các nhà làm phim về những vấn đề còn tồn đọng trong tác phẩm điện ảnh giai đoạn kiểm duyệt phim”, đơn vị này chia sẻ.

Phải bình đẳng đối với phim chiếu rạp và phim internet

Mới đây, một số ý kiến góp ý về dự thảo hồ sơ đề nghị xây dựng luật điện ảnh (sửa đổi) cũng đã đề cập khá nhiều về chuyện này. Trong bản dự thảo xây dựng luật điện ảnh (sửa đổi) có đề cập rằng, ở thời điểm hiện tại, khi việc phổ biến phim trên internet là một kênh kinh doanh của doanh nghiệp thì việc quản lý khi có nhiều cơ quan cùng tham gia cùng được quy định chi tiết.

Theo đó, quy định sẽ hướng tới phân cấp quản lý cho UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Quy định Bộ Thông tin và Truyền thông áp dụng các biện pháp kỹ thuật đồng thời bổ sung chế tài trong các văn bản quy phạm pháp luật để kiểm soát việc tuân thủ các quy định về kiểm soát nội dung phim theo hệ thống pháp luật Việt Nam đối với các nhà phát hành có hệ thống máy chủ đặt tại nước ngoài.

Ngô Phương Lan - nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh cũng bày tỏ, điều quan trọng nhất lúc này là cần xây dựng chính sách không chỉ đối với việc phát hành - phổ biến phim theo cách truyền thống (tại rạp chiếu và trên truyền hình), cũng không chỉ phổ biến phim trên internet và từ vệ tinh mà cần tính đến chính sách phổ biến phim trong kỷ nguyên bùng nổ của công nghệ số.

“Dễ thấy nhất hiện nay đối với các loại phim đang phổ biến tràn lan trên internet, thường gọi là web drama, Luật không hề điều chỉnh, cơ quan quản lý cũng “bỏ ngoài vòng tay” trong khi không ít web drama có số lượng lượt xem lên đến hàng chục triệu, gấp nhiều lần phim chiếu rạp. Vì vậy, Luật Điện ảnh sửa đổi cần nghiên cứu sâu hơn và đề ra những chính sách vừa phù hợp, vừa có tác dụng dự báo để điều chỉnh các hình thức phát hành – phổ biến phim phi truyền thống”, bà Lan nói.

Công ty Cổ phần phim Thiên Ngân cũng thẳng thắn, cần phải tạo sự bình đẳng giữa phổ biến phim trên internet, khai thác phim từ vệ tinh với phim chiếu rạp. Nghĩa là những bộ phim bị cấm chiếu ở rạp nhưng lại được phổ biến trên internet hoặc có những bộ phim bị chỉnh sửa rất nhiều khi ra rạp nhưng trên internet chỉ chỉnh sửa rất ít hoặc thậm chí là không chỉnh sửa gì.

Trong tham luận của mình Vụ Pháp luật - Hình sự (Bộ Tư pháp) cũng đặt vấn đề, trong bối cảnh hiện nay, nhất là khoa học công nghệ và công nghiệp văn hoá ở nhiều nước trên thế giới ngày càng phát triển mạnh mẽ, thị hiếu và nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng ngày càng cao, các quy định về phổ biến phim trên internet, khai thác phim từ vệ tinh cần được điều chỉnh phù hợp để phát huy được vai trò, ý nghĩa trong phát triển kinh tế - xã hội.

Ý kiến bạn đọc