Gia đình Thứ 5, 03/01/2019 14:52:26 PM Theo Vnexpress
Đồng hồ điểm 12 giờ, ông Tiến vội ra khỏi nhà, được chục bước sực nhớ nhà thờ đã dùng chuông điện, không còn cần người kéo là ông nữa.
Hai lần rồi ông Đào Mạnh Tiến, 71 tuổi, lật đật lao ra khỏi nhà như vậy. Không kể những lần tim ông rộn lên, rồi hẫng hụt mỗi khi nghe tiếng chuông kêu, dù cho ông đã nghỉ việc tròn một tháng.
Nhà ở mặt tiền phố Lý Quốc Sư, cách nhà thờ chỉ chục mét, sau giấc trưa, ông Tiến lê từng bước chậm chạp do vết mổ vẫn chưa lành, trước khi ngồi xuống chiếc ghế bên lề đường, mắt hướng về chốn thân quen. Qua 4h chiều, ông sang nhà thờ, ngó nghiêng mọi ngóc ngách, trò chuyện với người quen. Đi chán, ông lại ngồi ghế đá, lặng nhìn. Thời gian chậm trôi...
"Chụp ảnh ở góc kia đẹp nhất", người đàn ông tóc bạc, da mồi bất chợt nói, tay chỉ vào bậc thềm đá, đằng sau là các mái vòm cuốn nhọn rêu phong. Nhiều năm trước những bậc thềm bên hông nhà thờ vốn cao như bậc thềm chính diện nhưng sau đó được hạ thấp như hiện tại. "Ngày xưa chính tôi nâng lên, hạ xuống những bậc đá ấy", ông Tiến cho hay.
Giờ đây ông Tiến thường ngồi vỉa hè trước nhà, dõi mắt về phía Nhà thờ Lớn. Ảnh: Phan Dương. |
Nhờ sức khỏe hơn người, ông Tiến mới làm được công việc kéo chuông Nhà thờ Lớn tới 22 năm, hiếm khi nghỉ ngày nào, lại càng không có chuyện nhanh chậm một khắc.
"Tôi kéo chuông từ năm 1996, lúc 49 tuổi, đã qua 3 Đức tổng, 4 cha xứ và một cha quản xứ", ông Tiến, từng làm công nhân cung ứng vật liệu xây dựng thời trẻ, liệt kê rành rõi từng người một.
Nhà thờ Lớn Hà Nội được khánh thành dịp Giáng sinh năm 1887. Mặt tiền là hai tháp cao hơn 31 m, trên chính giữa có một chiếc đồng hồ lớn được liên kết với hệ thống 5 quả chuông treo trên hai tháp. Những năm chưa có nhà cao tầng, tiếng chuông Nhà thờ Lớn ngân xa, tận Long Biên (cách đó 7-8 km) cũng nghe thấy. Giờ thì chỉ xung quanh khu phố cổ nghe được.
Nơi ông Tiến làm việc nằm ở tầng 2 của tháp, là một sàn gỗ rộng khoảng 10 m2, có những sợi dây nối liền với hệ thống 5 quả chuông. Ở đó cũng có một đồng hồ để xem giờ. Ngày bình thường sẽ có 4 lần kéo chuông vào lúc 5h (chuông lễ sáng), 12h (chuông nguyện), 18h (chuông lễ chiều) và 19h (chuông 'tắt lửa'). Riêng chủ nhật có 8 lần kéo. Đều đặn mỗi ngày, người kéo chuông phải lên xuống cầu thang 8 lần, ngày lễ 16 lần, mỗi lần khoảng 30 bậc.
"Tiếng chuông đại diện cho tiếng Chúa gọi, nên khi vang lên, nó phải là âm thanh giục giã, khí thế. Muốn kéo được vậy không chỉ dựa vào sức khỏe, mà phải có kỹ thuật và cái hồn. Sau khi kéo 3 hồi 9 tiếng như báo hiệu, thì chuyển sang chuông khác vít xuống và miết mạnh tay để đập vào hai bên thành chuông, phát ra những hồi đanh và ngân xa", ông Tiến mô tả.
Nhiều khách tham quan đã leo qua những bậc gỗ lên xem ông Tiến kéo chuông và được ông cho kéo thử. "Có lần hai anh chàng tây kéo xong vẫn túm dây liền bị chuông kéo lên ngã dúi dụi. Họ không biết rằng vít dây xong thì phải hơi lỏng ra, sau đó lại mới tiếp tục kéo", ông cười kể.
Trong 5 quả chuông, có 4 quả chuông nhỏ - 3 quả ngân lên hàng ngày theo từng giờ lễ, quả thứ 4 là chuông buồn, chỉ dùng khi có tang. Quả chuông lớn nhất còn lại gọi là chuông boòng, mỗi năm chỉ ngân lên 6 lần vào Giáng sinh và các dịp đại lễ. Mỗi lần khởi động chuông này cần tới 10 người kéo.
"Vào đêm 24/12, hơn 20 người tập trung ở hai tháp. Tôi và vài người khác nữa cầm sợi dây to nhất, khi tôi hô '1,2, 3", tất cả gồng sức vít dây. Những âm thanh bing boong vang lên, giáo dân từ khắp nơi đổ về chuẩn bị cầu cho một mùa Giáng sinh an lành", giọng lạc đi, ông Tiến nói.
Ông Tiến đứng trước nhà thờ (trái) và ngày còn kéo chuông (phải). |
Hơn 2 thập kỷ qua, ông Đào Mạnh Tiến luôn dậy lúc 4h30 sáng ngày thường và 4h ngày lễ để hoàn thành công việc. Ngoài kéo chuông, ông còn nắm giữ hơn 20 chìa khóa các cửa, đảm nhiệm việc lau nhà thờ, treo cờ, tưới cây.
"Mắt bố tôi kém, sang đường nhiều lần bị xe va chạm, nhưng luôn biết chính xác chìa khóa này ở ổ khóa nào", chị Vân, con dâu ông Tiến nói.
Để đảm bảo sức khỏe và giờ giấc, ông Tiến luôn ngủ trước 9h tối. Đặc biệt ông hiếm khi đi ra khỏi khu phố cổ. Quê chỉ cách 18 km nhưng ông không dám về vì sợ nhỡ công việc nhà thờ.
Tiếng chuông và sự tận tụy của ông Tiến nhiều lần được các cha xứ ghi nhận. Nhiều năm liền, người giáo dân ngoan đạo này luôn được dùng cơm cùng cha xứ trong những ngày Tết. Ông Tiến xem đây như một niềm vinh hạnh.
Một ngày đầu tháng 12 vừa qua, như thường lệ, ông Tiến dậy sớm, pha một tách trà đặc cho tỉnh táo. Xong đâu đó xách chùm chìa khóa nặng cả nửa ký sang nhà thờ, bắt đầu mở các cửa và kéo chuông trước giờ lễ 15 phút. Sau giờ lễ, ông lau dọn sạch bong thánh đường. Khi nắng vàng bắt đầu chiếu qua những ô cửa kính sắc màu, người đàn ông thất thập mới hài lòng trở về nhà.
Bữa đó ông Tiến được con gái chở đi ăn sáng, lúc xuống xe chẳng may bị choáng váng rồi ngã. Cú ngã không khiến ông đau đớn, nhưng cô con gái kiên quyết đưa bố đi chiếu chụp. Bác sĩ phát hiện có một khối u to bên ngoài thận, yêu cầu phải mổ gấp.
"Tôi về nói với cha xứ về bệnh của mình và được cha làm phép cho bình an trước khi mổ. Nhà thờ đã nghĩ đến việc lắp chuông điện tử cả năm nay, đúng lúc tôi phẫu thuật, cha xứ nói tôi cứ yên tâm nghỉ ngơi, cha sẽ lắp chuông điện tử", ông Tiến nói.
Ngay đầu giờ chiều hôm đó, nhà thờ gấp rút lắp hệ thống chuông điện tử cho kịp hoàn thành trước lễ Giáng Sinh. Vậy là Giáng sinh 2018, lần đầu tiên sau hàng trăm năm, tiếng chuông ở Nhà thờ Lớn được vang lên bởi hệ thống chuông hiện đại. Bữa đó ông Tiến nằm nhà lắng nghe, lòng man mác, đầy tiếc nuối.
"Nghe tiếng chuông của ông Tiến như chính con người ông, là một con chiên ngoan đạo, tin yêu Chúa. Bằng trách nhiệm cao ông đã làm công việc đó suốt 22 năm qua, giờ đã đến lúc ông nghỉ ngơi", cha xứ Antôn Nguyễn Văn Thắng cho biết.
Ông Tiến trầm ngâm rất lâu trước bức tranh Nhà thờ Lớn, một trong số hơn chục tranh đang được trưng bày tại đây. Ảnh: Phan Dương. |
Trong căn gác quen thuộc trên nhà thờ hôm nay, ông Tiến thấy những sợi dây kéo chuông được tháo rời nằm dưới sàn, trên tường lắp hệ thống giật chuông tự động. "Chuông điện ngân đúng giờ lại đỡ sức người, nhưng không rền như được người kéo", ông tự sự.
Chiều muộn, dòng người tấp nập. Giữa đám đông hối hả, tinh ý có thể nhận ra mái đầu bạc lẻ loi của ông. Giờ không phải kéo chuông, nhưng ngày ngày ông Tiến vẫn vào đây giúp việc. Với ông, chốn ấy thân quen như hơi thở.
Tình yêu của ông với nơi này phảng phất hình ảnh "thằng gù Quasimodo" của đại thi hào Victor Hugo, coi nhà thờ Đức bà Paris là tổ ấm của mình, nhà mình, vũ trụ của mình. Quasimodo đã kéo chuông đến điếc cả tai. Còn ông Tiến đã dành 22 năm kéo chuông và giờ vẫn tiếp tục gắn tuổi già của mình với chốn ấy...
Tin cùng mục Gia đình
Tin mới nhất