Gia đình Chủ nhật, 18/10/2020 22:44:59 PM Theo Vnexpress
TP HCM - Trên chiếc ghế đặt ngoài hành lang, chị Nguyệt, 40 tuổi, ngồi co ro, mắt dõi về phía cửa lớp của con trai. Đã 12 năm chị bế con đến lớp và ngồi chờ như vậy.
Cơn mưa trưa tháng 10 khiến bộ quần áo của bà mẹ ướt loang lổ nhưng có vẻ như chị không mấy bận lòng. Kể từ khi cậu con trai Nguyễn Trần Lê Hạc bắt đầu vào lớp 1 và đến giờ, khi con bắt đầu năm đầu tiên của trường FPT Aptech hai vợ chồng chị đều đưa con vào tận lớp. Chị Nguyệt ngồi lại trường đến hết buổi để chăm con.
Chị Nguyệt hướng mắt về phía cửa lớp của con để hễ được gọi hỗ trợ thì vào. Ảnh: Lê Thương.
21 năm trước, vợ chồng chị Trần Thị Nguyệt, ở Bình Thạnh, hạ sinh một cậu con trai bụ bẫm. Nhưng trận sốt bại liệt lúc sáu tháng tuổi khiến cậu bé mất hẳn khả năng đi lại, chỉ đôi tay có thể cử động. Vợ chồng chị bế con đi chữa trị nhiều nơi, uống đủ loại thuốc nhưng không có kết quả. Từ đó, từ ăn uống, vệ sinh cá nhân đến đi lại, Hạc đều phụ thuộc mẹ.
Trái ngược với cơ thể gần như bất động, Hạc ham học và được khen đầu óc nhanh nhẹn. Năm con trai năm tuổi, ba mẹ đưa Hạc đến trường dành cho trẻ khiếm khuyết thuộc Trung tâm Bảo trợ Thị Nghè, TP HCM. Học hết chương trình lớp Năm, giáo viên nói: "Thằng nhỏ thông minh lắm, nên cho nó sang trường khác học". Vợ chồng chị chuyển con sang Trung tâm Bảo trợ - Dạy nghề và Tạo việc làm thành phố. Vì không có học bạ, Hạc phải học lại cấp tiểu học.
Từ đó, vợ chồng chị đèo con từ nhà sang quận 7 đi học. Hạc ngồi kẹp giữa ba mẹ. Chị Nguyệt dùng một tay luồn qua nách con rồi đặt lên vai chồng. Tay kia chị ôm bụng con. Cả cơ thể Hạc đổ gục xuống ngực mẹ. Hơn 5km từ nhà đến trường, chị không dám cử động vì sợ con ngã. Có lẽ cũng vì thế mà chị Nguyệt bị thoái hóa cột sống từ nhiều năm nay.
"Nhiều khi trời đột ngột đổ mưa lớn, nước ngập quá ống pô. Ba Hạc phải khua hai chân như mái chèo. Tui thì phải xuống xe, hai tay giữ con khỏi ngã để chồng đỡ mệt", chị nói. Cả nhà trùm chung một tấm áo che mưa nên người chị ướt như chuột lột.
Xe dừng ở cổng trường, hai tay chị bế con, vai đeo ba lô đựng nước uống, đồ ăn vặt cho Hạc. Đặt được con ổn định chỗ ngồi, chị ra ghế đá hoặc hành lang đứng đợi. Đến giờ ra chơi, chị vào bế con đi vệ sinh, cho ăn, cho uống nước. Trường hợp khẩn, con nhắn tin, chị sẽ chạy vào.
"Trung tâm chúng tôi có nhiều học viên khuyết tật, nhưng không phải ba mẹ nào cũng kiên trì được như vợ chồng chị Nguyệt. Nhìn thấy chị vất vưởng khi thì ghế đá, khi thì hành lang... để chờ chăm con, thầy cô, học trò đều cảm phục", cô Nguyễn Hồng Lê, giáo viên chủ nhiệm năm lớp 12 của Hạc, kể.
21 năm có con là từng ấy năm chị ngủ cũng con. Hai vợ chồng chị cũng không có ý định sinh thêm con vì muốn toàn tâm lo cho Hạc. Tối tối, giấc ngủ của người mẹ chập chờn, vì phải canh trở mình cho con đỡ mỏi.
Đường Sài Gòn, chị Nguyệt thuộc nhất là từ nhà đến trường của con và từ nhà ra chợ. Chẳng thể xa con một giờ nên cũng từng ấy năm người mẹ không có bạn bè, không đi du lịch. Năm ngoái em gái đột ngột qua đời, chị Nguyệt chỉ dám về quê một đêm đưa tang em, sáng hôm sau bắt xe về lại Sài Gòn.
"Nhiều lúc tôi cũng chạnh lòng khi thấy người ta có công việc, có bạn bè - những thứ tưởng bình thường ai cũng đều có thể có. Tôi muốn đi làm nhưng biết không ai chăm sóc con tốt bằng mình", người phụ nữ 37 tuổi nói.
Cũng vì "sợ con bị sao khi thiếu mình" mà bị u xơ tử cung, chị Nguyệt không dám mổ. Bụng to lên như mang bầu sáu tháng, ra máu nhiều nhưng chị chỉ đến viện lấy thuốc, hôm sau lại bế con đến trường.
"Má có đau cũng cắn răng chịu chứ chưa vào giờ làm em vấp té. Em khuyên má nên tin tưởng để người khác hỗ trợ em dù có thể không được tốt như má. Nhưng má không nghe", Hạc kể.
Một lần, mẹ Hạc đau quá, ngất trong nhà vệ sinh mà không ai biết. Đến khi tỉnh lại, chị tự bò ra gọi điện cầu cứu. "Bác sĩ nói bệnh dì ấy nặng lắm rồi, năn nỉ ở lại mổ mà dì ấy không chịu. Nhân viên y tế hỏi gì chị cũng im lặng, sợ phải nhập viện", chị Nga, 45 tuổi, chị gái của mẹ Hạc kể.
Hàng ngày, chị Nguyệt đeo một ba lô đến lớp, trong đó đựng nước cho con trai. Vài năm gần đây chị bị thoái hóa cột sống nên không thể bế con vào nhà vệ sinh. Chị mang dụng cụ để tranh thủ giờ ra chơi mọi người ra ngoài hết thì cho con đi tiểu tiện. Ảnh: Lê Thương.
Trách mắng, dỗ ngọt không xong, mẹ, chị cả và em gái chị Nguyệt phải lên Sài Gòn thuyết phục. Ba người phân công nhau hàng ngày đưa đón, ở trường cùng Hạc và chợ búa, cơm nước để chị yên lòng. Chị Nga cũng nói dối bệnh viện có phương pháp mới, mổ vài ngày sẽ khỏi, em gái mới "xuôi xuôi". Đêm đó, chị Nguyệt ôm lấy con thủ thỉ: "Nếu lần này mổ, má chết con tính sao?", "Má chết thì con chết theo má. Má đi mổ đi còn sống với con", nghe Hạc nói, người mẹ ứa nước mắt. Hôm sau, chị quyết định nhập viện.
"Một tháng đỡ cháu trên xe với bế nó đến viện mà tui trẹo cổ. Vậy mà má nó đằng đẵng hơn chục năm, hèn chi đổ bệnh", chị Nga nghẹn giọng.
Mẹ khỏe thì Hạc đổ bệnh, ho, đờm dữ dội. Đầu năm lớp 12, chị Nguyệt phải xin giáo viên vào ngồi cùng con trong lớp để tiện chăm sóc vì Hạc ham học, không chịu nghỉ. Có lần cậu ho sặc sụa, khó thở khiến mẹ phải gọi cho ba đến đưa đi viện gấp.
Đợt đó, Hạc phải phẫu thuật lắp máy trợ tim. Trước lúc vào phòng mổ, cậu nắm tay mẹ hỏi "Nếu con chết thì sao?". Mẹ cậu bật khóc: "Con chết thì má theo con chứ sống đâu ý nghĩa gì".
Nguyễn Trần Lê Hạc và mẹ trong ngày lễ tốt nghiệp. Cậu là học sinh giỏi toàn diện của trường suốt 12 năm qua. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Sức yếu, nhưng suốt 12 năm liền, Hạc là học sinh giỏi, thành tích luôn đứng đầu lớp. Ngoài ra, Hạc biết chơi piano, là "cây văn nghệ" chuyên đệm đàn cho thầy cô, bạn bè biểu diễn.
Dù đủ điều kiện học đại học nhưng vì lý do sức khỏe, đầu năm nay, cậu nhập học trường FPT Aptech, chuyên ngành Lập trình viên. Dự định của mẹ con chị Nguyệt là kết thúc hai năm sẽ học tiếp lên đại học. "Mình sức yếu nên phải đi đường vòng. 12 năm gian nan nhất đã qua rồi, giờ chỉ vài bốn năm, đâu nghĩa lý gì", chị nói.
Sự xuất hiện của Hạc và mẹ ở ngôi trường mới khiến thầy cô, bạn bè xúc động và ngạc nhiên. "Tôi chưa bao giờ tiếp nhận sinh viên nào hoàn cảnh đặc biệt như Hạc. Học lực của Hạc không phải xuất sắc nhưng rất khá so với nhiều bạn, dù nhiều lúc em ấy chỉ gõ bàn phím bằng một tay", thầy Lê Thanh Nhân, giảng viên của trường, nhận xét.
Chị Lê Thương, cán bộ phòng tuyển sinh cho biết: "Ban đầu nhiều cán bộ, sinh viên trong trường cứ nghĩ chị Nguyệt là chị gái hay cô của Hạc. Biết chị là người mẹ đã đi học cùng con suốt hơn chục năm qua, ai cũng ngưỡng mộ".
Kết thúc môn học đầu tiên là Lập trình ngôn ngữ C, Hạc đạt điểm tuyệt đối 100/100 gây sửng sốt cho nhiều thầy cô. "Em biết chỉ có thể học mới thay đổi được số phận và báo đáp công lao trời biển ba mẹ dành cho mình nên luôn cố gắng", chàng tân sinh viên nói.
Dịp 20/10 hàng năm, Hạc hay ghép hình mẹ với các địa danh nổi tiếng để tặng. Ước muốn của cậu là học hành thành tài và bù đắp bằng cách đưa ba mẹ đi du lịch nhiều nơi.
"Còn tôi thì chỉ mong khỏe mạnh, chết sau con để đồng hành cùng nó. Chỉ cần bên con, ở đâu cũng hạnh phúc", chị Nguyệt nói.
Tin cùng mục Gia đình
Tin mới nhất