Người Nhật 'bơ vơ' khi về già

Gia đình Thứ 6, 14/08/2020 11:16:33 AM Theo Vnexpress, Japan Times

Ông Michiharu Kimura, 68 tuổi, bị chủ trọ từ chối do không có người bảo lãnh nên 11 năm qua phải sống một mình trong căn phòng chật chội ở Trung tâm bảo trợ xã hội.

Kimura không phải là trường hợp cá biệt. Ngày càng nhiều người già đơn thân ở Nhật Bản bị đuổi khỏi các nhà trọ do bị coi là những người có nguy cơ không có khả năng thanh toán hoặc qua đời mà không ai biết.

Trung tâm bảo trợ xã hội là chốn dung thân duy nhất của nhiều người già ở Nhật. Ảnh: Japan Times.

Trung tâm bảo trợ xã hội là chốn dung thân duy nhất của nhiều người già ở Nhật. Ảnh: Japan Times.

"Ban đầu nghĩ chỉ ở tạm đây thôi nhưng có lẽ đây sẽ là ngôi nhà cuối cùng của tôi", Kimura chia sẻ. Nơi ông ở là một căn phòng nhỏ ở quận Kotobuki, Yokohama. Trong phòng có một chiếc tivi, một chiếc lò vi sóng, một toilet di động và một chiếc giường.

Theo kết quả một cuộc khảo sát do Bộ y tế, lao động và an sinh xã hội Nhật Bản tiến hành vào tháng 7/2018, trên toàn quốc có 570 trung tâm bảo trợ xã hội như nơi ông Kimura đang ở. Những trung tâm này cung cấp nơi ở miễn phí hoặc giá rẻ cho người khó khăn.

Các trung tâm này do các công ty tư nhân hoặc tổ chức phi lợi nhuận quản lý nhưng cần đăng ký với chính quyền địa phương. Hiện đang có tổng cộng khoảng 17.000 người ở tại các trung tâm như vậy, trong đó 90% là những người được ở theo diện trợ cấp xã hội. Khoảng 45% cư dân ở các trung tâm này có độ tuổi 65 hoặc cao hơn và 60% đã ở được hơn một năm.

Năm 56 tuổi, Kimura gặp cơn đột quỵ và từ đó bị liệt nửa người. Không kết hôn và sống xa người thân, ông mất công việc bảo vệ. Sau đó, ông bị buộc phải rời kí túc xá của công ty và bắt đầu nhận trợ cấp xã hội.

Seiji Kamamura, một nhân viên y tế 40 tuổi, đã nỗ lực giúp Kimura tập đi trở lại sau khi ông bị bệnh viện từ chối. Đã hơn 10 lần Seiji giúp ông Kimura tìm phòng trọ nhưng không lần nào chủ nhà chấp nhận cho ông thuê.

Sau khi có giấy chứng nhận về tình trạng khuyết tật, so với những người dân khác, Kimura có nhiều cơ hội được lựa chọn để được ở nhà công của thành phố. Vậy nhưng ông lại tiếp tục bị gạch tên. Người đàn ông kể, điều đó khiến ông rất "đau lòng".

"Không có gia đình đâu phải là lỗi của ông ấy", Seiji nói khi kể về việc Kimura không thể nào tìm được chỗ ở tốt hơn ngoài nơi ở chật hẹp trong nhà bảo trợ hiện nay.

Mặc dù chỗ ở hiện tại của ông Kimura chỉ mang tính tạm thời, nhưng khi ông có ý định chuyển ra chỗ ở mới tốt hơn ông sẽ gặp một rắc rối khác. Nếu có ai muốn chuyển đi, một số nhân viên của trung tâm bảo trợ có thể sẽ tính thêm phí dịch vụ và tìm cách chiếm đoạt trợ cấp xã hội của người đó.

Trung tâm bảo trợ cũng là nơi rủi ro cho người già. Vào năm 2018 đã xảy ra một vụ hỏa hoạn tại một trung tâm bảo trợ người già khó khăn và người tàn tật khiến 11 người thiệt mạng.

Trong bối cảnh thị trường lao động ngày càng khó khăn vì dịch bệnh Covid-19, ngày càng nhiều người nộp đơn xin trợ cấp xã hội. Một số chính quyền địa phương bị cáo buộc đã ép người dân nếu muốn nhận trợ cấp sẽ phải ở tại các trung tâm có điều kiện sống không được đảm bảo.

Mặc dù chủ trương này giúp giảm chi phí nhân công và gánh nặng cho chính quyền, nhưng luật pháp Nhật Bản cấm những hành động ép buộc người dân phải vào ở một trung tâm mà họ không mong muốn. Bộ An sinh xã hội cũng khẳng định việc "ra điều kiện để người dân được hưởng trợ cấp là hoàn toàn sai trái".

Bộ này cũng cho hay đã trợ cấp chi phí cho các trung tâm chuyển phòng đôi thành phòng đơn để tránh lây lan virus.

Số người già đơn thân từ 65 tuổi trở lên ở Nhật Bản đang gia tăng nhanh chóng và dự kiến sẽ đạt tới gần 9 triệu người vào năm 2040. Ảnh: Japan Times.

Số người già đơn thân từ 65 tuổi trở lên ở Nhật Bản đang gia tăng nhanh chóng và dự kiến sẽ đạt tới gần 9 triệu người vào năm 2040. Ảnh: Japan Times.

Ở Nhật Bản, không chỉ chủ nhà trọ mà một số nơi khác cũng "hắt hủi" người già đơn thân.

Theo một cuộc khảo sát do Bộ an sinh thực hiện, 65% các cơ sở y tế yêu cầu bệnh nhân nhập viện phải có người bảo trợ và khoảng 30% viện dưỡng lão từ chối nhận người già nếu họ không có ai đứng ra bảo lãnh.

Một số tổ chức xã hội đã ra tay giúp đỡ người già cô đơn, hỗ trợ họ chuẩn bị cho những tình huống bất ngờ như tai nạn hay đau ốm. Các tổ chức này đóng vai trò như người bảo lãnh cho người già cô đơn và có thu phí.

LISS là một tổ chức như vậy. Văn phòng đặt tại Tokyo, tổ chức này chuyên cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cuộc sống. Sau khi kí kết hợp đồng "dịch vụ gia đình", tùy theo nhu cầu của khách hàng, nhân viên của tổ chức này sẽ hộ tống khách hàng tới bệnh viện, cung cấp dịch vụ chăm sóc cá nhân hay phục vụ khách trong các tình huống cần nhập viện cấp cứu.

Các tổ chức này cũng cung cấp các dịch vụ như tổ chức tang lễ, kể cả thu nhận thi hài, và vô số các dịch vụ khác như hủy các hợp đồng thuê nhà hay viện dưỡng lão sau khi khách hàng qua đời.

Một gói dịch vụ như vậy có trị giá lên tới 1 triệu yen (khoảng 9.400 USD) bao gồm tiền công và chi phí đi lại của nhân viên tới thăm khách hàng hàng ngày. LISS cho hay khách hàng của họ là những người già đơn thân, những cặp vợ chồng không có con và gần đây nhất là những người độc thân ở độ tuổi 40 đang sống cùng bố mẹ.

Hiện số người già đơn thân từ 65 tuổi trở lên ở Nhật Bản đang gia tăng nhanh chóng và dự kiến sẽ đạt tới gần 9 triệu người vào năm 2040. Các dịch vụ bảo lãnh người già ngày càng trở nên đa dạng và phong phú nhưng chi phí cũng rất đắt đỏ.

Junko Ezaki, một công chứng viên chuyên hỗ trợ người già, khuyến cáo: "Quan trọng là các điều khoản của hợp đồng cần được xem xét kĩ lưỡng và người già cần có người bảo lãnh khi kí hợp đồng để họ hiểu rõ chi phí của dịch vụ là bao nhiêu và sẽ được cung cấp những dịch vụ gì".

Ông cũng cho rằng chính quyền nên xây dựng một khung tiêu chuẩn để đánh giá người bảo lãnh hoặc các công ty cung cấp dịch vụ bảo lãnh cho người già.

Ý kiến bạn đọc