Nhà cổ giữa lòng Thủ đô được trả giá gần 200 tỉ

Không gian sống Thứ 4, 21/04/2021 21:46:03 PM Theo Ngôi sao

Ngôi nhà tuổi đời 80 năm, tường được xây bằng mật trộn muối, vôi, xi măng nên độ bền cao và kết cấu chắc chắn.

Bỏ lại ồn ào, xô bồ, tấp nập thị thành, đi vào sâu con ngõ nhỏ trên phố Đinh Liệt chỉ chừng 10 m, một không gian yên tĩnh, trong lành hiện ra. Đó là ngôi nhà vườn của anh em ông Phạm Ngọc Hải (74 tuổi).
Ngôi nhà có tuổi đời gần 80 năm với diện tích gần 300 m2, được bố mẹ để lại cho 8 anh em nhà ông Hải - con út của vợ chồng cụ Phạm Văn Thanh - Phạm Thị Tề. Đây được xem là nhà vườn xưa của Hà Nội.

Ngôi nhà được xây từ năm 1944, dưới bàn tay thiết kế của kiến trúc sư Phạm Hoàng - một KTS có tiếng, thuộc thế hệ đầu tiên của làng KTS Việt Nam. Mất 3 năm ngôi nhà mới hoàn thiện được tất cả mọi thứ.

Nhà được xây hướng Đông Bắc, nên sẽ mát mùa hè, ấm mùa đông. Ngày trước, những ngôi nhà trước mặt chỉ xây 1 tầng, nên từ tầng 2, gia đình ông Hải có thể nhìn thẳng ra tháp rùa. Căn nhà còn được thiết kế một lối đi xuống hầm, nơi chưa được khoảng hơn 20 người. Tuy nhiên, đã rất lâu gia đình vẫn chưa mở ra.

Theo ông Hải, bố mẹ ông sinh được 8 người con, hiện có 7 người với 10 nhân khẩu sống tại ngôi nhà này, còn một gia đình anh trai của ông hiện định cư bên nước ngoài. "Tính ra có 5 thế hệ đang sinh sống nơi đây. Khi con cháu lớn lên, chúng muốn chia nhỏ khu vườn ra để xây nhà. Chúng tôi đã trải qua nhiều cuộc họp đại gia đình căng thẳng, đấu tranh để giữ cho được sự nguyên vẹn của khu vườn", ông Hải nói.

Ông Hải cho biết thêm, ngày trước, gia đình ông là nhà duy nhất ở Hà Nội mở tiệm vàng lá, cũng được xem là gia đình có điều kiện nhất vùng thời bấy giờ.

Đi qua hai cuộc chiến tranh, ngôi nhà vẫn giữ nguyên được sự giao thoa giữa văn hoá Đông - Tây nửa đầu thế kỷ XX. Phía trên, mái ngói được thiết kế có kết cấu hình mái vòm: "Thầy giáo dạy văn của tôi từng qua nhà chơi mấy lần và phải thốt lên là 'rất phục thợ ngày xưa, mái ngói như này mà làm cong được, mà lắp ngói được'", ông Hải hào hứng kể về ngôi nhà.

Khoảng vườn 120 m2 trước mặt, ngày xưa dùng để trồng chuối và chăn nuôi lợn, mãi năm 1995 khi người chị cả từ Hải Phòng về hưu thì mới xây nhà lên.

Nhìn bề ngoài căn nhà chỉ có 2 tầng, nhưng vào bên trong có 3 tầng. Tầng 1, 2 là để ở và sinh hoạt. Tầng 3 - nơi cao nhất của căn biệt thự là điện thờ mẫu Liễu Hạnh, nay được cải tạo thành phòng vẽ cho người chị Nguyệt Nga (80 tuổi). Diện tích ngôi nhà ngày trước là 250 m2, nhưng bây giờ diện tích chỉ thu hẹp còn gần 200 m2.

Được biết, tất cả nhà cổ thời Pháp được xây với chiều cao 4 m2, ngôi nhà ông Hải cũng không ngoại lệ. Tường được chát bằng mật trộn muối, vôi, xi măng nên có độ bền cao. Sàn nhà được làm bằng đá trộn cùng các nguyên liệu trên, sau đó xoa mịn, được xây cùng với ngôi nhà nên rất chắc chắn.

Nội thất ngôi nhà có những nét phong cách châu Âu như trần nhà cao, các không gian được chia nhỏ tạo sự riêng biệt. Bên cạnh đó, là nét truyền thống với những nếp ngói tỏa xuống hiên, mái cong vút đầu đao.

Các vật dụng như hố xí, tủ lạnh, bàn ghế, được gia đình ông nhập khẩu từ Pháp về mà thời ấy rất ít nhà ở Hà Nội có được.

Nội thất trong nhà chủ yếu là làm bằng gỗ nhóm một bao gồm lim, sến, táu... Trải qua gần một thế kỷ, ngôi nhà vẫn không bị mối mọt.

Đặc biệt, ngôi nhà vẫn còn lưu giữ bộ bàn ghế cổ hơn 100 năm bằng gỗ núp. Ông Hải cho biết, cả Việt Nam theo ông Hải biết chỉ có 2 bộ, một bộ ở Nhà hát Lớn và 1 bộ gia đình ông đang sở hữu có kiểu dáng và được làm từ gỗ này.

"Bộ bàn ghế được bố tôi đi sưu tầm tận Hong Kong mua về. Trước kia nó nằm ở tầng 1 được gọi là buồng salon dùng để tiếp khách, còn có cả bể cá rộng chừng 5 m con báo làm từ đồng đen. Nhưng do tầng 1 hiện đã không còn thuộc sở hữu của gia đình ông. Nên hiện bộ bàn ghế đã được đưa lên tầng 2, diện tích chật hẹp hơn, gia đình chúng tôi đã bán đi 2 chiếc ghế dài và để lại 4 ghế đơn cho phù hợp", ông Hải nói.

Cũng theo ông Hải, trước kia gia đình sở hữu nhiều nột thất như tủ chè, bàn, ghế, những con hổ tượng đồng đen, nhưng do quá trình thay đổi của xã hội nên phải bán dần để tiêu. Có thời kỳ đồng tiền mất giá, nhà ông có 8 người giúp việc thì bố ông phải cho nghỉ mất 7 người, chỉ giữ lại 1 người vì kinh tế eo hẹp.

Hiện nay, nhiều người hỏi mua cả nhà và nội thất nhưng gia đình ông Hải thống nhất không bán vì muốn để giữ lại làm kỷ niệm cho con cháu sau này.

"Có người đến hỏi mua cả nội thất lẫn ngôi nhà nhưng gia đình chúng tôi nhất quyết không bán, dù có người trả vu vơ với giá 180 tỉ. Tuổi thơ và cuộc đời tôi gắn bó với căn nhà, đây là căn nhà một tay bố mẹ tôi gây dựng. Con cháu trong nhà cũng từ đây mà lớn khôn, ăn nên làm ra nên giờ có trả giá bao nhiêu đi nữa thì chúng tôi cũng không bán", ông Hải khẳng định chắc nịch.

Ý kiến bạn đọc