Gia đình Thứ 4, 21/10/2020 12:15:38 PM Theo Vnexpress, UDN
Cuộc hôn nhân không "yên ả", trục trặc trong quan hệ với nhà chồng hay gánh nặng tài chính khiến buộc nhiều phụ nữ Nhật nộp đơn ly hôn với người chồng quá cố.
Bộ phim truyền hình "I'm gonna die soon, anyway... " (tên gốc: Sugu Shinun Dakara) dựa trên tiểu thuyết cùng tên của tác giả Uchidate Makiko ra mắt trên đài NHK tháng 8 vừa qua đã tạo nên một cơn sốt. Phim đề cập đến một câu chuyện ngày càng phổ biến trong xã hội Nhật: Nhiều phụ nữ muốn ly hôn sau khi chồng chết.
Nhân vật nữ chính trong bộ phim trêm đài NHK đã nộp đơn xin ly hôn người chồng đã chết sau khi phát hiện người đàn ông khi còn sống đã lừa dối bà.
Trong phim, nhân vật nữ chính là một phụ nữ biết vun vén cho gia đình, yêu thương chồng con hết mực. Ở tuổi trung niên, cô vẫn giữ gìn ngoại hình đẹp, trẻ trung. Cuộc sống hôn nhân cho đến một ngày xảy ra biến cố khi chồng cô đột ngột qua đời. Thêm vào đó, cô phát hiện chồng có đứa con ngoài giá thú. Bàng hoàng đau khổ, phẫn nộ, nhân vật chính quyết định nộp đơn xin ly hôn với người chồng đã chết của mình.
Câu chuyện trên phim này hoàn toàn không hư cấu. Báo cáo thường niên của Bộ Tư pháp Nhật Bản cho biết, số phụ nữ Nhật Bản đề nghị được ly hôn với người chồng đã chết tăng lên rõ rệt trong những năm gần đây. Năm 1998, con số này là 1.629 người. Tới năm 1998, con số này là hơn 2.000. Cho tới năm 2016, số lượng phụ nữ Nhật muốn chấm dứt cuộc hôn nhân với người chồng đã khuất núi là 4.032. Từ 2018 đến nay, con số tiếp tục tăng, hiện tại vào khoảng hơn 10.000 trường hợp. Ước tính trong vòng 10 năm (2008-2018), con số ban đầu đã tăng lên gấp 3 lần.
Có nhiều lý do để phụ nữ Nhật chọn giải pháp ly hôn với chồng đã chết nhưng tập trung ở hai yếu tố chính.
Thứ nhất, họ không muốn tiếp tục có quan hệ với gia đình nhà chồng. Tờ Japan News chỉ ra, nhiều phụ nữ không muốn chịu ràng buộc của cha mẹ, anh chị em chồng sau khi người bạn đời - chỗ dựa lớn nhất của họ đã mất. Ngoài ra, luật dân sự của Nhật Bản có điều khoản về việc anh em ruột thịt, con cái và cha mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng lẫn nhau. Như thế, trong nhiều trường hợp dù bạn đời mất, người vợ vẫn phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho bố, mẹ chồng, do quan niệm "làm dâu phải phụng dưỡng cha mẹ". Không chịu nổi sự ràng buộc này, nhiều phụ nữ, đặc biệt những người kinh tế khó khăn sẽ quyết định ly hôn với chồng đã mất để tránh phải tiếp tục nghĩa vụ cấp dưỡng.
Thứ hai, "cạn tình" với người đã chết. Điều này được cho là xuất phát từ những mâu thuẫn khi hai vợ chồng còn chung sống, hoặc trong trường hợp phim Sugu Shinun Dakara kể trên, người vợ nhận ra chồng phản bội, khi sống không trân trọng mình, nên không muốn "dính líu" gì đến chồng, kể cả người đó đã mất.
Để làm thủ tục ly hôn bạn đời quá cố, phụ nữ Nhật Bản nộp đơn đến Phòng đăng ký hộ khẩu để xin chấm dứt quan hệ vợ chồng với người mình từng kết hôn. Thủ tục này tương tự như thủ tục ly hôn. Tuy nhiên, đơn xin ly hôn người chết sẽ không cần sự đồng ý của gia đình bên nội. Đơn có thể được duyệt và có hiệu lực ngay trong ngày. Ngoài ra, theo luật, việc ly hôn người đã chết sẽ không ảnh hưởng đến quyền hưởng tài sản thừa kế ban đầu, cũng như việc tính tiền lương hưu của người còn sống.
Theo luật sư người Nhật Bản Tatsuya Hagiwara, ngoài "ưu điểm" như đã nói, việc ly hôn với chồng đã mất cũng có một số nhược điểm như người vợ sẽ không tiếp tục nhận được sự giúp đỡ từ người thân của chồng (về cả tài chính lẫn tinh thần) hay phải chủ động với cuộc sống mới, bao gồm nhà cửa (nếu ở chung với gia đình chồng trước đó).
Tin cùng mục Gia đình
Tin mới nhất