Những công nhân đặc biệt làm khẩu trang

Gia đình Thứ 3, 04/02/2020 23:11:42 PM Theo Vnexpress, Sohu

TRUNG QUỐC - Họ là giám đốc công ty tài chính nước ngoài, người khiếm thính, người cao tuổi... tình nguyện đến xưởng sản xuất khẩu trang làm việc từ 19h hôm trước đến 7h sáng hôm sau.

Trương Dung – giám đốc xưởng sản xuất khẩu trang tại quận Tùng Giang, thành phố Thượng Hải cho hay, từ khi dịch bệnh viêm phổi  bùng phát tại Vũ Hán, công nhân của xưởng đã làm thêm giờ nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu.

"Nhân viên của chúng tôi đã quá mệt mỏi, cần có thời gian phục hồi sức lao động. Thông qua một tổ chức tình nguyện, tôi đã kêu gọi các tình nguyện viên, không ngờ số lượng người đăng ký lại đông đến như vậy, hơn 300 người", ông Trương nói. Sau khi phân công, mỗi đêm có 20 người làm xuyên đêm để sản xuất thêm 30.000 khẩu trang.

Những người sản xuất khẩu trang tại xưởng từ 7h tối hôm trước đến 7h sáng hôm sau đều là những tình nguyện viên. Ảnh: sohu.

Những người sản xuất khẩu trang tại xưởng từ 7h tối hôm trước đến 7h sáng hôm sau đều là những tình nguyện viên. Ảnh: sohu.

Cứ đến 19h, những công nhân tạm thời mặc quần áo bảo hộ, bước vào xưởng cùng sự hướng dẫn của các công nhân khác. "Máy móc không dừng lại, mọi người cũng không dừng lại!" khẩu hiệu phía bên ngoài cửa xưởng đập vào mắt các tình nguyện viên. Tiếng máy bắt đầu khởi động. Trong xưởng, máy móc hoạt động hết công suất, sản xuất khoảng 50 chiếc khẩu trang mỗi phút.

Trương Hiểu Đông và vợ Đặng Lợi đều là công nhân tình nguyện. Cả hai hiện là cán bộ cao cấp của một tổ chức phúc lợi công cộng ở Thượng Hải. "Khi dịch bệnh bùng phát, tôi và vợ đã rất lo lắng. Các nhân viên y tế đã ra tiền tuyến. Chúng tôi, những người bình thường cũng muốn làm điều gì đó. Sản xuất khẩu trang cho mọi người là công việc phù hợp với chúng tôi".

"Mặc dù cả hai vợ chồng đều chuẩn bị tâm lý nhưng khi bắt đầu cũng cảm thấy khó chịu. Xưởng ngột ngạt, tiếng ồn rất lớn và dây chuyền rất nhanh. Tôi cảm thấy lúng túng lúc đầu làm việc. Tuy nhiên, giờ đã ổn hơn", Trương nói.

"35 phút sản xuất được 1.600 cái, 12 tiếng sản xuất được 28.000 cái", người đàn ông 48 tuổi có tên Tôn Kiếm vừa làm vừa tính toán. Tôn thức suốt đêm chăm chỉ làm việc, ít người nhận ra anh bị khiếm thính. "Tôi chỉ muốn làm phần việc của mình và hy vọng dịch bệnh này sẽ sớm chấm dứt", Tôn nói.

Có nhiều tình nguyện viên như vợ chồng Trương và Tôn tại xưởng sản xuất này. Tối 31/1, một cặp vợ chồng ngoài 60 tuổi, đã nghỉ hưu lái xe hơn 100km đến xưởng xin làm công nhân tạm thời, dù trước đó họ chưa đăng ký tên trong danh sách. Cặp vợ chồng cho hay, họ chưa ra khỏi nhà kể từ ngày dịch viêm phổi Vũ Hán bùng phát. "Chúng tôi có sức khỏe tốt và sẵn sàng làm việc xuyên đêm. Bạn có nhận chúng tôi không", người chồng hỏi giám đốc xưởng Trương Dung.

"Tôi rất cảm động và tôi không thể từ chối điều đó!", ông Trương nói. Tuy nhiên vẫn có những tình nguyện viên ông phải từ chối vì lý do sức khỏe không đảm bảo để thức đêm sản xuất khẩu trang.

Những tình nguyện viên làm việc liên tục 12 tiếng trong đêm để sản xuất thêm được 30.000 cái khẩu trang giá rẻ cho thị trường. Ảnh: sohu.

Những tình nguyện viên làm việc liên tục 12 tiếng trong đêm để sản xuất thêm được 30.000 cái khẩu trang giá rẻ cho thị trường. Ảnh: sohu.

Với việc hoạt động liên tục 24h/ngày, xưởng sản xuất khẩu trang của ông Trương hiện đã sản xuất vượt được 1 triệu chiếc, đáp ứng một phần nhu cầu cho người dân Thượng Hải và Trung Quốc.

"Dịch viêm phổi Vũ Hán khiến con người trở nên xa cách, đề phòng nhau. Nhưng với những tình nguyện viên này, việc làm của họ như ngọn lửa thắp sáng tình người lúc hoạn nạn. Dù hiu hắt nhưng vẫn luôn ấm nóng", ông Trương nói, tay thoăn thoắt bê những thùng khẩu trang lớn ra xe, chở đến những vùng dịch bệnh đang hoành hành.

Ý kiến bạn đọc