Nỗi đau của cậu bé 12 tuổi khởi kiện bố mẹ

Gia đình Thứ 6, 11/10/2019 22:46:05 PM Theo Sohu

Phải nếm trải cuộc đời khổ cực, Zain đã đưa bố mẹ ra tòa với lý do “Tại sao lại sinh ra con?’

Tại liên hoan phim Cannes 2019, bộ phim Capernaum gây tiếng vang lớn với nội dung về một bé trai người Li Băng muốn chống lại cuộc sống bị áp đặt, khởi kiện lại chính cha mẹ ruột của mình.

Sinh mà không nuôi

Zain – nhân vật chính của bộ phim đến từ một gia đình không có hộ khẩu và đông con. Họ sống trong một xóm nghèo, cha mẹ không có khả năng lao động, đám trẻ con chỉ có thể làm việc vặt nuôi mình. Zain vất vả kiếm tiền, dù mới 12 tuổi nhưng cậu đã trưởng thành một cách đáng kinh ngạc.

Chứng kiến em gái bị cưỡng hiếp, băng huyết nhưng không được cứu vì không có chứng minh thư, quá tức giận và đau lòng, Zain cầm dao xông vào gã thanh niên làm hại em gái. Cậu bị bắt và bị kết án 5 năm tù.

Zain (bên phải) có cuộc sống khổ cực, không có sự chăm sóc của bố mẹ. Ảnh: news.
Zain (bên phải) có cuộc sống khổ cực, không có sự chăm sóc của bố mẹ. Ảnh: news.


Sau khi vào tù, mẹ Zain tới thăm và tiết lộ cậu đã có thêm một người em gái để thay thế cho con gái đã mất. Nghe vậy Zain hoàn toàn thất vọng về cha mẹ mình. Cậu chọn cách nói ra toàn bộ chuyện này với đài truyền hình, sau đó đâm đơn kiện cha mẹ ra toà.

Trong đoạn cuối phim Zain tự bạch: "Những đứa trẻ ngây thơ, tại sao lại phải chịu thương tổn như thế này. Quả thật, đất nước rung chuyển là lỗi lầm của thời đại, gia đình nghèo khó là lỗi của xã hội, không hộ khẩu là lỗi của cha mẹ. Vậy tại sao những lỗi lầm này lại để đám trẻ con chúng con gánh vác".

"Tại sao lại phải sinh ra con. Tại sao sinh con ra rồi lại không chịu nuôi dạy một cách đàng hoàng?", Zain hỏi bố mẹ trong sự câm lặng của cả hai.

Đạo diễn bộ phim - Nadine Labaki từng trả lời phỏng vấn: "Thông điệp mà bộ phim muốn truyền tải chính là: Làm cha mẹ bất kể là thời đại hay xã hội nào, chỉ có muốn làm tốt hay không, chứ không phải là có thể làm tốt hay không. Làm cha mẹ, không chỉ cần sinh con ra mà thôi, mà còn cần phải có tình yêu và trách nhiệm với chúng".

Nuôi mà không dạy

Cách đây nhiều năm, một cậu bé 6 tuổi họ Mạnh nổi tiếng trên mạng xã hội Trung Quốc bởi tài mổ cá siêu đẳng. Thời điểm đó, người dùng mạng đặt cho cậu bé biệt danh "Cậu bé mổ cá số 1 Trung Quốc".

Mạnh sinh trưởng trong một gia đình nghèo có 6 anh chị em. Từ bé cậu đã phải phụ giúp bố mẹ mổ cá bán ngoài chợ, không được đi học. Sau khi video mổ cá của cậu bé này được chia sẻ, nhiều nhà hảo tâm đến hỗ trợ để cậu được đi học. Tuy nhiên học được hơn một năm, người cha bắt Mạnh nghỉ học để ở nhà tiếp tục mổ cá kiếm tiền giúp bố mẹ.

Không được giáo dục ở trường, ở nhà Mạnh được nuôi dưỡng theo hình thức tự nhiên "Phải chiến đấu để giành được thứ mình muốn", cha của Mạnh thường khuyến khích con trai như vậy. Chính vì thế đến năm 17 tuổi, Mạnh bị bắt giữ vì chuyên gây gổ, đánh nhau. Khi được gọi lên đồn cảnh sát, cha của Mạnh nói rằng, ông thấy việc làm của con trai không có gì sai. "Nó rất mạnh mẽ và chiến đấu để có thứ mình muốn. Đó là việc bình thường", người đàn ông này nói với cảnh sát.

Những năm tiếp theo, Mạnh luôn vướng tới pháp luật. Tháng 8 vừa qua, chàng thanh niên này đã uống thuốc trừ sâu tự vẫn bởi "không thấy có ý nghĩa gì với cuộc sống này".

"Làm cha mẹ mà vô trách nhiệm với cuộc sống của con, làm hủy hoại tương lai của chúng thì đó là cha mẹ tàn nhẫn nhất", Trương Bảo Nghĩa, giáo sư xã hội học tại Học viện Khoa học Xã hội Thiên Tân nhấn mạnh.

Mạnh khi lớn lên vẫn ở nhà mổ cá giúp bố mẹ và không nhận được sự giáo dục nghiêm chỉnh từ gia đình. Ảnh: sohu.
Mạnh khi lớn lên vẫn ở nhà mổ cá giúp bố mẹ và không nhận được sự giáo dục nghiêm chỉnh từ gia đình. Ảnh: sohu.


Tháng 7 vừa qua, một bé gái 9 tuổi ở thành phố Hàng Châu, Chiết Giang mất tích nhiều ngày. Hơn 60 cảnh sát đã được huy động để tìm cô bé. Sau nhiều ngày tìm kiếm, xác cô bé được phát hiện trôi dạt trên bờ biển, không người thân nào đến nhận.

Sau khi tìm hiểu, cảnh sát Hàng Châu biết được hoàn cảnh gia đình cô bé. 3 năm trước mẹ bỏ đi vì mâu thuẫn gia đình. Đến khi biết tin con gái mất tích, người mẹ trở về không chỉ tìm con, mà còn tranh thủ làm thủ tục ly hôn với chồng. Thời điểm hai người ra tòa, bé gái vẫn chưa được tìm thấy.

Giáo sư Trương Bảo Nghĩa trong một cuốn sách viết về gia đình từng nhấn mạnh: "Cha mẹ nên hiểu rằng ý nghĩa của ngôi nhà không chỉ là chỗ để tá túc, mà đó là môi trường ấm áp sự yêu thương để trẻ có thể sống và phát triển tốt".

Dạy không tốt

Trong bộ phim nổi tiếng của Nhật Bản "Hồi ức về Matsuko", nhân vật chính- Matsuko luôn bị phân biệt đối xử bởi người cha. Tất cả tình yêu, ông dành cho hai người em của cô, nên Matsuko luôn phải một mình chống lại sự cô đơn khủng khiếp. Với một người không nhận được tình yêu thương từ người thân, cô chỉ có thể đi ngày càng xa. Và cô gái Matsuko xinh đẹp, hát hay lại phải sống những ngày cuối đời mình ở một căn nhà ổ chuột ven sông và cuối cùng bị chết một cách oan ức.

Matsuko có một số phận bi thảm bởi sự ghẻ lạnh của người thân. Ảnh: celeby_media.net.
Matsuko có một số phận bi thảm bởi sự ghẻ lạnh của người thân. Ảnh: celeby_media.net.


Nhân vật Matsuko cũng giống nhân vật Phàn Thắng Mỹ trong phim truyền hình nổi tiếng Trung Quốc "Hoan lạc tụng". Sinh ra từ gia đình nghèo, cha mẹ "trọng nam khinh nữ", từ nhỏ Phàn đã phải gánh gồng tất cả công việc cho anh trai, kể cả khi cô trưởng thành. "Đối với chúng tôi, chỉ có con trai mới hiếu thảo", bố mẹ cô thường hay nói như vậy trước mặt con gái.

Chính vì sự xem thường của cha mẹ nên khi lớn lên Phàn Thắng Mỹ nhiều lúc ép người quá đáng, sĩ diện hão và ham vinh hoa phú quý.

"Trẻ em bị đối xử bất công tại nhà thường rất nhạy cảm, luôn cảm thấy mình thấp kém. Những đứa trẻ này luôn cảm thấy không an toàn và thiếu cảm xúc trong suốt cuộc đời mình. Dạy không tốt chẳng khác gì không dạy", một chuyên gia tâm lý từng nói.

Giáo sư Trương Bảo Nghĩa cũng từng chia sẻ: "Là cha mẹ, bi kịch nhất là sinh con ra mà không nuôi, nuôi mà không dạy, dạy lại không tốt. Trái tim nào cũng cần có tình yêu, sự bao dung và thấu hiểu. Trẻ con vốn là thiên sứ, làm cha mẹ đừng biến thế giới của chúng thành địa ngục".

Ý kiến bạn đọc