‘Ống kính sát nhân’: Phim hình sự - kinh dị đáng xem và đáng tiếc

Hậu trường Thứ 7, 23/06/2018 17:40:50 PM Theo Zing

Giữa thị trường điện ảnh khá đơn điệu, “Ống kính sát nhân” của đạo diễn trẻ Nguyễn Hữu Hoàng là một nỗ lực đáng ghi nhận và cho thấy tham vọng tạo sự khác biệt của anh.

Và anh đã chứng minh được phần nào khả năng kể chuyện của mình cũng như cho thấy nhiều tố chất của một đạo diễn trẻ nhiều triển vọng. Nhưng, một điểm yếu cố hữu của điện ảnh Việt một lần nữa lại bộc lộ trong bộ phim đầu tay này. Đó là kịch bản.

Ống kính sát nhân có bối cảnh diễn ra ở một thành phố tỉnh lị vùng cao và không được xác định địa danh, thời gian rõ ràng. Cũng như tên của nhân vật chính cũng không có danh tính, anh ta cũng không có xuất xứ cụ thể. Ta chỉ biết anh ta là thanh tra K (Hứa Vĩ Văn), một cảnh sát trung tuổi, cô độc, ít biểu hiện cảm xúc và mắc chứng rối loạn giấc ngủ do những dư chấn trong quá khứ.

Trong một lần đi phá án, chứng rối loạn giấc ngủ này gây ra ảo giác và khiến anh ta gây ra cái chết cho một nữ đồng nghiệp. Sau sự cố này, thanh tra K mất điểm trong mắt cấp trên (Chánh Tín đóng). Đúng lúc đó thì xảy ra vụ án mạng nghiêm trọng, kẻ thủ ác đã giết chết hai vợ chồng nghệ sĩ cải lương Liên Hoa ngay bên trong chiếc xe hơi.

May mắn, đứa con trai nhỏ sống sót. Viên thanh tra Dương (Quang Sự) là người thay thế thanh tra K để điều tra vụ án mạng và nghi phạm bị bắt giữ nhanh chóng với nhiều bằng chứng có vẻ trùng lắp với lời khai của các nhân chứng.

Nhưng thanh tra K là người phát hiện vụ án mạng có nhiều điều bí ẩn, cũng như nghi phạm có thể bị bắt nhầm. Với sự hỗ trợ của Cẩm Phô (Diễm My 9X), cô bạn gái của nghi phạm; thanh tra K quyết định tự đi điều tra những uẩn khúc đằng sau vụ án mạng có nhiều tình tiết đáng ngờ này...

Không khí mơ hồ, khó đoán định

Ống kính sát nhân mở ra với một không khí mơ hồ, khó đoán định từ không gian, bối cảnh đến xuất xứ và tâm lý của nhân vật. Nguyễn Hữu Hoàng, người nắm giữ hai vai trò sáng tạo quan trọng nhất của bộ phim là biên kịch và đạo diễn chứng tỏ anh là một người nghiên cứu khá chắc về thể loại và có thể là một “fan cuồng” của các thể loại phim kết hợp trong một bộ phim phá án như thế này: hình sự, giật gân, film noir, kinh dị rùng rợn...

Điều này được thể hiện qua cách anh tạo dựng không khí một cách xuyên suốt bộ phim với nhịp phim chậm, dàn trải nhưng đôi khi lại sử dụng một vài thủ pháp của dòng phim kinh dị rùng rợn gây cảm giác hoảng sợ cho khán giả một cách có chủ ý.

Phim không hề có những cảnh lãng mạn, ngôn tình để câu khách. 


Một điều đáng được biểu dương trong tư duy nghề nghiệp của Hoàng ngay ở bộ phim đầu tay là anh không cố thỏa hiệp để câu khách bằng những chi tiết lãng mạn ngôn tình (mối quan hệ giữa thanh tra K và Cẩm Phô) hay những chi tiết hài hước khiên cưỡng có thể phá vỡ không khí của bộ phim mà anh tạo dựng.

Như đã nói ở trên, nhờ nghiên cứu rất kỹ về thể loại, đặc biệt là dòng phim thriller/film noir và bám khá chắc đường ray mình tạo dựng ra, đạo diễn đã phát huy khả năng kể chuyện của mình qua mise-en-scene (dàn cảnh, thiết kế bối cảnh) và mise-en-shot (các nguyên tắc của lấy cảnh quay, bao gồm những cú máy dài, tiêu sự sâu và màu sắc).

Bối cảnh của phim được dàn dựng khá cổ điển, đặc biệt là những cảnh nội. Trong khi với những cảnh ngoại, cách sử dụng ánh sáng yếu, màu sắc trầm buồn, âm u và thậm chí sương mù dày đặc tạo nên một cảm giác u uất, sầu muộn, phần nào đồng cảm với tâm trạng của nhân vật chính. 

Đạo diễn cũng sử dụng những thủ pháp của chủ nghĩa biểu hiện như ánh sáng tương phản và bóng đổ, đường xiên và các hình ảnh không cân đối của thể loại film noir. Về mặt kể chuyện, anh bám sát thủ pháp theo điểm nhìn chủ quan như tiếng ngoài hình hay phục hiện, hồi tưởng.

Hình mẫu thanh tra đặc trưng

Sau khi đã tạo dựng được một không gian và không khí riêng biệt, điều hiếm thấy với bối cảnh Đà Lạt quen thuộc trong hàng chục bộ phim Việt trước đây, đạo diễn tiếp tục tạo dựng được một hệ thống nhân vật khá phù hợp và có cảm giác như họ sinh ra ở vùng đất đó, như một kiểu “cá ở trong nước”.

Nhân vật nam chính, thanh tra K là hình mẫu nhân vật khá quen thuộc trong dòng phim hình sự hay film noir với những “đặc trưng” có thể nhận dạng như: cô độc, mắc một chứng rối loạn về tâm lý hoặc hành vi, từng phạm một sai lầm nghiêm trọng trong quá khứ và bị ghẻ lạnh hay bị cô lập.

Thanh tra K là hình mẫu quen thuộc của dòng phim hình sự. 


Khi bị đặt vào thế của kẻ ở ngoài cuộc, anh ta lại bộc lộ hết những phẩm chất nhà nghề của mình với những phán đoán nhanh nhạy và chính xác. Và trong cuộc hành trình phá án đơn độc đó, anh ta thường có sự giúp sức của một “người đàn bà định mệnh” có liên đới đến vụ án.

Ta có thể thấy rõ những motif này trong một số bộ phim hình sự/film noir kinh điển như ChinatownL.A ConfidentialZodiac, series phim truyền hình True Detective hay bộ phim Hàn Quốc xuất sắc Memories of Murder...

Trong Ống kính sát nhân, thanh tra K được xây dựng là một mẫu nhân vật cô độc, ít biểu hiện cảm xúc, nhưng anh ta có những nguyên tắc nghề nghiệp và đạo đức riêng khá nhất quán.

Hứa Vĩ Văn đã có một vai nam chính hiếm hoi thoát được cái khung của những nhân vật thứ chính trong các bộ phim lãng mạn, ngôn tình để vào vai một nhân vật có chiều sâu nội tâm, bị cô lập, nhiều ẩn ức.

Lối diễn xuất tiết chế là một điểm cộng của anh, nhưng tác dụng ngược là nhiều lúc nhân vật rơi vào đơn điệu và dường như không có sự phát triển về tâm lý.

Ngược lại với một Hứa Vĩ Văn trầm tĩnh, tiết chế là Khương Ngọc với lối diễn “over”, khoa trương quen thuộc, đôi lúc hơi tỏ ra “nguy hiểm” một cách không cần thiết.

Nhưng một cách công bằng, kiểu nhân vật có tâm lý “bệnh hoạn và biến thái” như thế này trong làng điện ảnh Việt chưa có ai qua được Khương Ngọc.

Kịch bản còn quá nhiều lỗ hổng

Ngoài những điểm cộng về tạo dựng không khí, nhịp điệu, dàn dựng bối cảnh hay quay phim, Ống kính sát nhân lại bộc lộ nhiều cú “hở sườn” đáng tiếc trong xây dựng kịch bản khiến bộ phim trở nên đơn giản, thậm chí khá dễ dãi khi thủ phạm bị đưa ra ánh sáng.

Ta có thể thấy trong bộ phim đầu tay này, Nguyễn Hữu Hoàng bị ảnh hưởng và “vay mượn” khá nhiều từ các bộ phim kinh điển của dòng phim hình sự, film noir hay kinh dị rùng rợn.

Với bộ phim đầu tay, đạo diễn trẻ Nguyễn Hữu Hoàng đã vay mượn khá nhiều từ các tác phẩm hình sự kinh điển. 


Motif nhân vật thanh tra K khiến tôi nhớ đến mẫu nhân vật tương tự trong Zodiac (2007) của đạo diễn David Fincher hay miniserie True Detective (2014) của Cary Joji Fukunaga.

Kiểu nhân vật biến thái, bệnh hoạn, đa nhân cách do một ẩn ức hay vết thương quá khứ nào đó do Khương Ngọc đóng mô phỏng khá nhiều từ Psycho (1960) của bậc thầy Alfred Hitchcock hay đoạn kết của bộ phim gợi nhớ đến The Silence of the Lambs (1991) của Jonathan Demme.

Thậm chí, ngay cả cái bối cảnh tỉnh lẻ, cái không khí tù đọng, ngột ngạt; nghi phạm bị kết án nhầm một cách vội vã cũng khiến ta nhớ tới Memories of  Murder (2003) của Bong Joon-ho...

Tuy nhiên, điều đáng tiếc là Nguyễn Hữu Hoàng mới “vay mượn” hay nói một cách nhẹ hơn là ảnh hưởng, “tri ân” các bậc thầy nói trên ở phần hình thức, bề mặt mà thiếu chiều sâu nội tâm, thiếu hồn cốt, thiếu một câu chuyện có tính nguyên bản, mang màu sắc bản địa rõ nét.

Và khi không có một bệ đỡ chắc chắn, vay mượn từ nhiều chi tiết ngoại lai trong khi thiếu tính nguyên bản của kịch bản, bộ phim dần dần bộc lộ những điểm yếu về mặt logic và để lộ nhiều “plot hole” (lỗ hổng, phi lý) trong quá trình dẫn dắt bộ phim đi đến đoạn kết.

Các “plot hole” rõ nhất của Ống kính sát nhân là các sự kiện xảy ra mâu thuẫn với logic hoặc các chi tiết được đưa ra không được giải quyết tới cùng; hoặc hành động của nhân vật không có lý do, động cơ rõ ràng.

Cùng với đó là nhiều thông tin hay câu hỏi được đưa ra không có sự trả lời thỏa đáng cho người xem khiến họ khó có thể tin được vào câu chuyện, cho dù ở đây, ta hoàn toàn đang xem xét bộ phim như một tác phẩm hư cấu.

Vụ án mạng ám sát hai vợ chồng Liên Hoa diễn ra quá chóng vánh và không được mô tả chi tiết. Cho dù đây chỉ là cái cớ cho một cú “twist” về sau, nhưng do không được xây dựng kỹ càng nên khó thuyết phục cho những lý giải về sau của đạo diễn.

Một vài chi tiết đưa ra nhưng không giải quyết rốt ráo như bàn tay có vết cắn của nghi phạm. Biên kịch đưa chi tiết này ra để “gài bẫy” nhưng sau đó do mãi đuổi theo câu chuyện phá án, đạo diễn dường như bỏ quên nó luôn.

Các mối quan hệ chưa được đào sâu, động cơ hành động hay các chuyển biến tâm lý của nhân vật không rõ ràng, lửng lơ. Điều này dẫn đến tính logic của câu chuyện thiếu thuyết phục, đặc biệt là ở giai đoạn cao trào khi thủ phạm dần lộ ra ánh sáng.

Kẻ mở đường thường va vấp

Cho dù xây dựng được một nhóm hệ thống nhân vật phù hợp với bối cảnh mà đạo diễn tạo ra, nhưng trong phát triển tâm lý, ta thấy các nhân vật vẫn rơi vào kiểu vay mượn, thiếu hồn cốt, không có nội tâm thực sự khiến những hành động của họ khó tạo được sự tin tưởng cho người xem.

Kịch bản của phim còn đơn giản, thiếu đầu tư, nhiều lỗ hổng. 


Từ chứng bệnh mất ngủ gây ra ảo giác ở Thám tử K cho đến những bi kịch cá nhân và hành động bệnh hoạn của thủ phạm; từ sự phản bội dễ dàng của người quản gia đến mối quan hệ tình cảm giữa Cẩm Phô và người yêu của cô đều được xây dựng quá đơn giản hoặc thiếu sự đầu tư.

Khi mà hầu hết những chi tiết quan trọng hay đường dây tâm lý của nhân vật không được chuẩn bị kỹ càng, hậu quả nhãn tiền là chưa được nửa phim người ta đã phát hiện ra thủ phạm là ai và một loạt hành động phá án quá đơn giản, quá dễ dàng (thậm chí dễ dãi), “plot twist” không đủ thuyết phục khiến bộ phim càng về cuối càng bộc lộ những điểm yếu đáng tiếc.

Nhưng cho dù có khá nhiều điểm hạn chế như vậy, Ống kính sát nhânvẫn là một bộ phim xem được và bắt khán giả tập trung vào câu chuyện nhờ cách tạo dựng không khí, nhịp điệu hay cách dàn dựng có tay nghề của đạo diễn.

Với bộ phim này, điện ảnh Việt có thêm một màu sắc mới lạ trong bảng màu khá đơn điệu hiện thời và xứng đáng được ủng hộ. Những kẻ “mở đường” thường có nhiều va vấp, nhưng không có những người dấn thân và dám mạo hiểm như họ thì chẳng lẽ điện ảnh Việt cứ đi những con đường mòn sao?

Nữa là một đạo diễn còn rất trẻ.

Ý kiến bạn đọc