Gia đình Thứ 2, 22/11/2021 23:15:18 PM Theo Zing
Các nhà nghiên cứu cho biết áo Burberry, túi LV và Macbook có thể là cách 7 triệu phụ nữ độc thân ở thành thị Trung Quốc chống lại sự kỳ thị của xã hội về việc không lập gia đình.
Ở Trung Quốc, nữ giới có trình độ học vấn và chưa kết hôn ở tuổi 27 có thể bị gọi là “sheng-nu”, dịch đơn giản là “phụ nữ còn sót lại”.
Thuật ngữ này được tạo ra nhằm hạn chế số lượng phụ nữ độc thân gia tăng trong một xã hội truyền thống, vốn đôi khi coi việc không kết hôn là vi phạm đạo đức. Thậm chí, một bộ phận còn coi đây là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia, theo The Conversation.
Thực tế, hình ảnh phụ nữ độc thân cô đơn, tuyệt vọng, học thức cao xuất hiện thường xuyên trên các phương tiện truyền thông và báo chí Trung Quốc. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng thái độ kỳ thị “sheng-nu” đã gây áp lực cho không ít phụ nữ trong việc kết hôn.
Tuy nhiên, những người khác đang chống trả.
“Sheng-nu” là thuật ngữ mang tính mỉa mai những phụ nữ có học vấn cao, chưa kết hôn ở tuổi 27. Ảnh: AFP.
Một phần là kết quả của việc mở rộng giáo dục đại chúng kể từ cuộc cải cách kinh tế những năm 1980. Phụ nữ ở xứ tỷ dân ngày càng tự tin về vị trí của mình trong xã hội hiện đại.
7 triệu phụ nữ độc thân từ 25 đến 34 tuổi ở thành thị Trung Quốc nằm trong nhóm đóng góp lớn nhất cho sự phát triển của đất nước. Nữ giới hiện đóng góp khoảng 41% vào GDP của Trung Quốc - tỷ trọng lớn nhất so với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới.
Nghiên cứu của Chih-Ling Liu, giảng viên bộ môn Marketing tại ĐH Lancaster (Vương quốc Anh), và Robert Kozinets, nhà nghiên cứu tại Trường Báo chí và Truyền thông USC Annenberg (Mỹ), cho thấy phụ nữ Trung Quốc độc thân, có học thức cao đang thay đổi cách người khác nhìn nhận về mình thông qua sức mạnh kinh tế thay vì biểu tình, phản đối.
Nói cách khác, họ đang sử dụng chủ nghĩa tiêu dùng để chống lại sự kỳ thị tồn tại lâu nay về tình trạng độc thân.
Không hổ thẹn
Một phụ nữ 33 tuổi nói với nhóm tác giả: “Trong những buổi họp mặt gia đình, dì tôi thường châm chọc bố mẹ tôi rằng vì sao tôi vẫn còn độc thân. Theo suy nghĩ của dì, tôi phải sống khốn khổ. Tôi cần bảo vệ bố mẹ nên không ngừng nâng cấp hình ảnh bản thân bằng cách mua sắm quần áo ngày càng đắt tiền hơn để mặc”.
Cô tiếp tục: “Tôi muốn mọi thứ tốt nhất trong cuộc sống của mình: kính râm hiệu Burberry, túi xách Louis Vuitton, laptop của Apple. Tôi muốn chứng tỏ rằng mình đang có cuộc sống tuyệt vời. Rốt cuộc thì người thân cũng để cho bố mẹ tôi yên”.
Một người 30 tuổi giải thích: “Khi mọi người càng cười nhạo, bạn càng phải trông quyến rũ hơn trước mặt họ. Chỉ có như vậy mọi người mới trở nên khoan dung hơn với gia đình bạn”.
Nhiều phụ nữ xứ tỷ dân đầu tư vào quần áo, túi xách, phụ kiện để chống lại sự kỳ thị độc thân. Ảnh: Reuters.
Một nhà phát triển công nghệ thông tin 35 tuổi nhớ lại: “Khi tôi mua cho mẹ chiếc nhẫn vàng, mẹ đã rất hạnh phúc. Khi cưới mẹ tôi, bố tôi rất nghèo nên không bao giờ mua cho bà được món trang sức nào. Tôi muốn cho cả hai thấy rằng tôi có thể mua được rất nhiều thứ”.
Thị trường kinh tế cũng đang tận dụng sự gia tăng của xu hướng độc thân và tiềm năng từ đó.
Ngày độc thân 11/11 của Trung Quốc, ra đời từ năm 2009 bởi gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba, là lễ kỷ niệm chống lễ tình nhân cho hội độc thân hàng năm. Dịp này đã vượt qua Black Friday để trở thành lễ hội mua sắm hàng năm lớn nhất trên thế giới.
Mua sắm cho bản thân
Ngày độc thân năm 2021 đã chứng kiến mức chi tiêu kỷ lục.
Thương hiệu làm đẹp Nhật Bản SK-II có sự tăng trưởng về doanh số bán hàng sau khi tung ra loạt video về những phụ nữ thành đạt nhưng quyết định không kết hôn.
Tất nhiên, không phải tất cả phụ nữ độc thân ở Trung Quốc đều có đủ khả năng để chứng tỏ sức mạnh chi tiêu như vậy. Nhưng nghiên cứu của Liu và Kozinets gợi ý rằng đối với những người có thể, cảm giác tự do kinh tế mới giúp họ xác định bản thân và vị trí trong xã hội.
Cơ hội tiêu tiền cho bản thân, và thường là mua quà cho cha mẹ, giúp xác định lại một cách tích cực tình trạng độc thân của họ là điều đáng tự hào.
Thông qua tiêu dùng, họ tự đề cao mình là những công dân có đạo đức, độc lập về kinh tế và thành đạt. Những phụ nữ trong nghiên cứu của Liu và Kozinets đang chống lại sự kỳ thị “sheng-nu” và sự lây lan của nó theo cách đó.
Người Trung Quốc đã chi tiêu kỷ lục 35 tỷ nhân dân tệ (5,7 tỷ USD) tại các nền tảng mua sắm trực tuyến lớn nhất của đất nước vào Ngày độc thân 11/11. Ảnh: AFP.
Một phụ nữ nhận xét: “Phụ nữ độc thân thực sự nên ra ngoài nhiều hơn, nhất là khi họ không bị ràng buộc bởi cuộc sống gia đình. Ngắm phong cảnh tươi mới, trải nghiệm cuộc sống mới giúp họ nhận ra có thể sống theo cách khác”.
Bất chấp sự nổi lên ở Trung Quốc đại lục hay Hong Kong, hành động biểu tình có thể dẫn đến việc bỏ tù và gây ra những hậu quả nghiêm trọng.
Đối với những phụ nữ “sheng-nu” bị kỳ thị, đối đầu trực tiếp dưới hình thức hoạt động xã hội có thể dẫn đến hậu quả pháp lý hoặc nghề nghiệp nghiêm trọng.
Thay vào đó, tiêu dùng và quyền lực kinh tế đã trở thành cách để họ xây dựng tính hợp pháp cho một lối sống thay thế.
Cuộc đấu tranh của phụ nữ nhóm này khiến sức mạnh toàn cầu và hiện đại hóa của thị trường đương đại chống lại văn hóa truyền thống, cũng như sức mạnh truyền thông của Trung Quốc.
Và trong một sự thay đổi đáng ngạc nhiên, có vẻ như những phụ nữ độc thân đang thắng thế.
Tin cùng mục Gia đình
Tin mới nhất