Gia đình Thứ 4, 10/03/2021 23:09:14 PM Theo Ngôi sao
Từ khi làm mẹ, Phương Mai có nhiều băn khoăn, thấy bất lực khi con không chịu ăn, không ngủ và không biết mình đã làm đúng hay chưa.
Gia đình Phương Mai đón Tết trong TP HCM. Cô cùng chồng Marcin Miller trang hoàng nhà cửa cho có không khí Tết.
- Hầu hết chúng ta đều vừa trải qua một kỳ nghỉ Tết Nguyên đán thật đặc biệt. Với chị, Tết năm nay có gì khác biệt với mọi năm?
- Tôi dự định năm nay ăn Tết ngoài Hà Nội với gia đình, họ hàng nhưng cuối cùng vì dịch Covid-19 nên cả nhà không ra được. Ngày nào chúng tôi cũng chỉ ăn, ngủ trong nhà, bao nhiêu dự định cũng không làm được, chỉ loanh quanh rồi chơi cờ với nhau. Chúng tôi cũng hạn chế đi ra ngoài vì lúc đấy đang bùng dịch.
Thực ra, anh Marcin đi làm suốt cả năm trời nên dịp Tết lại là lúc cả nhà quây quần. Anh Marcin ở đây nhiều năm rồi nên cũng biết Tết Nguyên đán diễn ra như thế nào, không có gì lạ lẫm cả. Anh cũng hiểu đây là một kỳ lễ rất quan trọng trong văn hóa Việt, giống như cách mình quan niệm về lễ Noel của phương Tây - rất thiêng liêng. Năm nay, TP HCM không bắn pháo hoa nơi công cộng nhưng may là mọi người được phép bắn pháo hoa cá nhân nên từ căn hộ của tôi nhìn được những cụm pháo hoa nho nhỏ nên cũng có không khí Tết. Nghe tiếng pháo hoa bùm bùm, hai vợ chồng tôi lại kéo nhau ra ban công để xem ké. Hai vợ chồng tôi cũng có hai cái bánh chưng ngồi ăn cùng nhau. À, Tết này cũng là lần đầu tiên tôi làm nem rán! Ở nhà dành thời gian cho con, cho nhau là tôi thấy vui rồi.
- Không chỉ ngày Tết mà trong năm qua, Covid-19 cũng khiến cho công việc MC của chị bị đình trệ. Chị từng chia sẻ là bản thân đã trở thành bà mẹ bỉm sữa toàn thời gian. Chị đã xoay xở với vai trò mới này như thế nào?
- Chăm cái cây tôi còn thấy khó nữa là chăm một con người. Có thể là vì hormone, tính cách, là vì cái này, cái kia nhưng mà khi nhìn con mình không ăn, không ngủ chẳng hạn, đủ các câu hỏi tại sao, cảm thấy rất là bất lực. Tôi nhìn vui vẻ thế này thôi nhưng có những lúc muốn khóc luôn. Đây còn là lần đầu tiên làm mẹ nên càng đáng sợ hơn. Có một ngày stress quá, tôi đã phải lên facebook "xả" dù tôi vốn là người không bao giờ thích nói nhiều trên đó. Tôi phải nhận định đây là một công việc đòi hỏi sự đam mê và năng khiếu thực sự, bởi vì nó quá khó. Nhưng may mắn, tôi còn có nhiều sự trợ giúp xung quanh, được anh Marcin thấu hiểu và thông cảm.
- Chị cảm thấy áp lực lớn nhất khi làm mẹ là gì?
- Đó là không biết khi nào mình làm đúng. Mặc dù tôi khá tự tin nhưng vẫn băn khoăn rằng mình giáo dục bé như thế này đã chuẩn chưa, bé có đang lớn lên bình thường không, cho bé ăn như thế này ổn chưa.
Tôi luôn trong trạng thái lo lắng. Hồi xưa còn độc thân, tôi ngủ rất ngon đến nỗi có lần trộm vào trong nhà mà tôi không biết gì luôn. Cuộc sống thoải mái quá mà, không phải lo một cái gì ngoài bản thân. Nhưng bây giờ tôi phải lo cho một sinh linh quá mong manh nên chỉ cần một tiếng động nhỏ, tôi cũng bật dậy và đôi khi trong giấc mơ, tôi còn mơ nghe thấy tiếng khóc của con. Tôi ngủ không yên, đấy chính là áp lực về tâm lý mà tôi nghĩ chắc đến khi con lớn hẳn thì tôi mới thoát được.
- Thiếu ngủ, ngủ không ngon dường như là vấn đề của hầu hết bố mẹ khi nuôi con nhỏ. Nhiều người chọn giải pháp rèn nếp ngủ, cho con ngủ riêng để con sớm tự lập và bố mẹ bớt áp lực, lo lắng. Còn gia đình chị thì sao?
- Từ lúc tôi mới sinh, tôi đã bé ngủ riêng. Bởi vì tôi muốn huấn luyện tính tự lập cho con từ nhỏ, con ngủ trong cũi an toàn, không bị chăn gối của cha mẹ đè lên hoặc tránh bố mẹ đè lên con, giúp con không bị ngã. Tuy nói là ngủ riêng nhưng thực ra trong phòng của con luôn có cô bảo mẫu để đảm bảo con luôn an toàn. Vì con ngủ riêng nên tôi càng bị căng thẳng chứ nếu cho con ngủ chung thì tôi đã không lo lắng đến như vậy.
- Có nhiều lo lắng, băn khoăn như vậy, chị đã làm gì để vượt qua chúng?
- Khi nuôi con ở Việt Nam, ông bà bố mẹ cô dì chú bác bạn bè đều rất muốn ý kiến với mình bởi vì họ quan tâm. Gia đình tôi cũng vậy. Họ cho rất nhiều ý kiến và kết quả là bạn càng bị loạn thông tin, dễ hoang mang.
Vì thế, tôi tìm một nguồn tin duy nhất để tin tưởng là bác sĩ nhi, bởi vì bác sĩ đã chữa trị cho hàng ngàn đứa trẻ nên chắc chắn họ có nhiều kinh nghiệm hơn. Mỗi khi tôi có thắc mắc gì về sức khoẻ em bé, tôi sẽ chỉ hỏi bác sĩ đấy thôi. Họ nói điều mình làm là ok thì tôi tiếp tục thực hiện. Chắc là sau này khi em bé lớn hơn, phát triển về tâm lý thì tôi sẽ cần phải hỏi thêm bác sĩ tâm lý.
Còn giai đoạn này khá là dễ thở vì em bé chỉ cần ăn ngủ chơi. Con bắt đầu thể hiện những chính kiến của mình. Ví dụ con thích ăn món này, không thích món kia, thích mặc quần áo này, không thích mặc đồ kia. Nếu muốn con đi giày, tôi sẽ phải bày giày ra và con sẽ tự lựa chọn. Tôi thấy háo hức bởi vì như vậy là con có phát triển. Gần 2 tuổi mà không thể hiện chính kiến là hơi nguy hiểm đúng không? (cười) Nhưng về sau có thể là con sẽ có những khủng hoảng khác mà tôi bây giờ chưa biết được nó sẽ đến mức nào. Lúc đó sẽ lại là một câu chuyện khác.
- Ngoài việc cho con ăn, ngủ, chơi, chị bảo vệ con thế nào khỏi rủi ro khi gia đình chị cũng sống trong chung cư, đặc biệt là sau khi xảy ra sự việc em bé 2 tuổi rơi từ tầng 12A gần đây?
- Tôi không dám xem video đó. Lần nào mở báo thấy tin về sự việc, mắt tôi đều rơm rớm. Chắc người nào có con mới hiểu được cảm xúc ấy vì nó thật sự rất khủng khiếp, nhất là khi đọc được đoạn anh Mạnh cứu bé xong về nhà ôm con khóc. Người ta bảo con mất cha mẹ thì gọi là trẻ mồ côi, còn cha mẹ mất con thì không có từ nào để diễn tả được nỗi đau ấy.
Nhà tôi cũng là nhà chung cư, không thể bịt kín lan can hoàn toàn được nên điều quan trọng nhất là không bao giờ được phép để con một mình. Bởi vì trẻ nhỏ có thể không ngã lan can thì ngã cầu thang, đập đầu vào cửa, có rất nhiều tai nạn tiềm ẩn. Thực tế là tôi cho con được trải nghiệm những cú ngã đó, ví dụ con đang đi thì ngã oạch xuống đất thì tình huống đó ok. Con nên trải nghiệm để tự biết rút kinh nghiệm nhưng mà cú ngã chí mạng như thế kia thì tôi tuyệt đối không để nó được phép xảy ra. Nếu tôi không ở bên cạnh con được thì chị bảo mẫu tôi rất tin tưởng cũng không bao giờ dám rời mắt khỏi bé.
Ở nhà, bé Henryk luôn chơi dưới sự dám sát của cha mẹ hoặc bảo mẫu. Phương Mai cũng bịt hết ổ điện để bảo vệ con nhỏ.
- Ngoài việc theo sát con, chị còn xây dựng nền tảng nhận thức cho con như thế nào để bé tự bảo vệ mình?
- Để tôi kể cho bạn nghe. Hồi đấy tôi học hết cấp 1, chừng 10-11 tuổi rồi mà có sở thích là leo lan can. Tôi leo ra bên ngoài ban công để leo sang nhà bên cạnh. Không quan trọng việc này nguy hiểm hay không nhưng tôi rất thích bởi vì thích cảm giác được mạo hiểm, khám phá. Ở cái tuổi dưới thành niên, bản năng vẫn lớn hơn là tư duy.
Vì thế, nếu cho rằng có thể dùng lời lẽ để dạy con tư duy thì sẽ hơi bị chủ quan quá. Tôi vẫn dạy nhưng mà chưa phải lúc này bởi vì con chưa thể hiểu được hết điều mình nói cũng như chưa thể nào đủ nhận thức để biết được những sự nguy hiểm đấy. Sự mạo hiểm vốn có lực hấp dẫn rất lớn nên là cha mẹ, tôi phải có trách nhiệm, phải ở bên cạnh thôi.
- Phương Mai của hiện tại đã hoàn toàn là mẫu phụ nữ của gia đình, chăm con chu đáo, hay vào bếp nấu nướng, khác với hình ảnh một con người của công việc so với trước đây. Trong tương lai, chị sẽ ưu tiên gia đình hay sự nghiệp hơn?
- Tại sao cứ phải chọn một thứ và bỏ một thứ khi đời sống hiện tại tôi hoàn toàn có quyền có được cả hai? Cuộc sống của tôi vẫn còn rộng lớn, còn quá nhiều thứ khác để khám phá, tôi vẫn chưa biết được tận cùng khả năng của mình đến đâu. Tôi vẫn luôn luôn cố gắng đặt sự phấn đấu, có được cái này thì phải có được cái khác nữa, nói tham lam cũng được, sống phải biết tham lam biết ước mơ lớn đúng không? Tôi có đủ tài chính để lo được điều đó và có đủ sự trợ giúp của những người xung quanh để có thể vừa làm việc, vừa làm mẹ. Không nhất thiết phải đặt một sự hi sinh nào cả, duy chỉ không đi chơi nữa thôi (cười).
Anh Marcin rất hiểu quan điểm của tôi và luôn hết lòng ủng hộ tôi tiếp tục thành công hơn nữa. Anh sẵn sàng chia sẻ công việc nhà, chăm con. Vợ chồng tôi cũng có kế hoạch ngay từ đầu là sử dụng những sự trợ giúp khác như người trông trẻ, người dọn nhà để không quá căng thẳng, yên tâm làm những việc khác. Nhưng nhờ người trông trẻ không có nghĩa là tôi giao trắng việc cho một người khác mà họ chỉ là người hỗ trợ mình thôi. Đấy là chuyện làm mẹ, còn về công việc, bạn biết đấy, dịch bệnh gây ảnh hưởng lớn tới ngành giải trí nên tôi cũng mong đợi dịch bệnh kết thúc rồi được quay trở lại công việc một cách mạnh mẽ hơn.
Tin cùng mục Gia đình
Tin mới nhất