Phương Mai: 'Việc nhà không phải của phụ nữ'

Gia đình Thứ 7, 03/04/2021 11:53:30 AM Theo Ngôi sao

Phương Mai suy nghĩ phụ nữ và đàn ông đều cần biết nấu cơm, dọn nhà và dù nấu ngon hay dở, cô luôn thấy đó là một trải nghiệm vui.

Gia đình Phương Mai vừa có chuyến du lịch tại Hội An.

Gia đình Phương Mai vừa có chuyến du lịch tại Hội An. Bé Henryk luôn được đi cùng bố mẹ để trải nghiệm, khám phá xung quanh.

- Trải qua 2 năm hôn nhân, có thể thấy Phương Mai khác hẳn so với thời độc thân khi là mẹ bỉm sữa toàn thời gian, còn yêu thích việc bếp núc. Vậy với quan niệm cho rằng việc bếp núc trong nhà chỉ dành cho phụ nữ, chị nghĩ sao?

- Tôi nghĩ quan điểm này không phải là do xã hội tạo ra mà là do những ông chồng đặt ra để kiểm soát phụ nữ. Hồi xưa chỉ có đàn ông mới được đi học, đi làm, có vị trí trong xã hội như làm quan, làm thầy. Tức là chỉ có đàn ông mới được đi truyền bá tư tưởng và chỉ có lời nói của đàn ông mới được coi là có trọng lượng.

Vì thế, tất cả những quan điểm như phụ nữ phải biết nấu cơm, phụ nữ phải ở trong nhà, không được phép ăn mặc diện ra đường, phụ nữ phải nghe lời đàn ông... khi được cánh mày râu truyền đi truyền lại biến thành một điều hiển nhiên. Chúng ta đang sống ở một thời đại gần như phẳng và tất cả những người phụ nữ đều đang đứng lên để đấu tranh cho quyền bình đẳng. Vì vậy, phụ nữ hiện đại không cần thiết ở trong bếp và cũng không cần thiết phải nấu ăn ngon.

Tôi thấy rằng quan niệm này với ngày nay nên sửa là: Phụ nữ và đàn ông nên biết nấu cơm, nên biết dọn nhà. Vì như thế, các cặp vợ chồng sẽ bớt được khoản thuê người làm cho mình. Bản thân bạn có thêm được kỹ năng gì thì bạn sẽ tồn tại được tốt hơn. Ví dụ bạn vào trong rừng sống mà bạn biết thổi lửa thì bạn sẽ sống tốt hơn người không biết làm gì. Tuy bạn sẽ phải làm nhiều hơn nhưng bạn hơn người ta ở cái chỗ là bạn biết.

Món bún măng mọc do Phương Mai trổ tài. Cô học

Món bún măng mọc do Phương Mai trổ tài. Tuy nhiên, Phương Mai cũng phải trải qua nhiều phen thất bại trước khi nấu được các bữa ăn ngon.

- Vậy nếu để trả lời cho câu hỏi đang viral trên mạng gần đây: "Đàn bà không làm việc nhà thì làm gì?", chị sẽ đáp thế nào?

- Cái mà tôi thấy chán ở đây là nhiều người vẫn tin rằng việc nhà là của phụ nữ và áp đặt lên mình điều đó. Việc nhà không còn thuộc về phụ nữ. Trong gia đình, nếu chồng nấu cơm ngon hơn, vợ dọn nhà sạch hơn thì đáng hoan nghênh. Chẳng có gì là sai nếu vợ chồng chia nhau làm được việc nhà hoặc là tự có những thỏa thuận riêng cho nhau.

 

Với những người thật sự không sinh ra để nấu cơm hoặc rất thích nấu ăn nhưng nấu món gì hỏng món đấy như tôi chẳng hạn, và giả sử chồng tôi khăng khăng rằng bếp núc là công việc của phụ nữ thì khổ thân anh quá. Có lẽ suốt ngày anh phải ăn những món như gà bóng đêm hay cá ngoài chín trong sống mất. Tôi nghĩ mình tháo bỏ gông cùm cho bạn đời bao nhiêu thì người ấy sẽ càng có thời gian để chăm sóc bản thân, chăm sóc đối phương nhiều hơn, thay vì mình trói người ta vào căn bếp thì thả người ta ra, để họ vui vẻ, làm đẹp, được cười nói với mình. Như vậy có phải là sướng hơn bao nhiêu không? (cười)

- Chị nói về việc từng làm ra "món gà bóng đêm, cá ngoài chín trong sống". Vậy chồng chị đã phản ứng ra sao khi thưởng thức các món ăn này?

- Thật ra là chúng tôi đói quá thì phải ăn thôi (cười). Bây giờ anh Marcin luôn kể với mọi người rằng "món gì Mai cũng nấu được, món gì Mai cũng bảo là dễ". Có lần tôi nổi hứng làm một món bánh của Italy, nghe tên rất oách. Chồng thấy tôi khí thế vậy và liền nhắn tin cho mẹ khoe tôi sắp làm món bánh khó. Đến khi có thành phẩm, anh ấy trêu: "Em ơi, hay là bánh này em đập vụn, rải quanh khắp nhà đi, kiến ăn kiến chết".

Nghe vậy, tôi cười, bắt anh ăn bánh vì cái tội nhận xét linh tinh. Anh ấy cũng tinh tế, không nói với mẹ về món bánh tôi làm nữa, để hình ảnh của tôi trong mắt mẹ chồng vẫn là một cô gái đảm. Có lẽ các sự cố ấy xảy ra là vì trong lúc nấu chắc là chúng tôi vui quá không biết ngừng, mất tập trung. Nhưng những kỷ niệm ấy rất đẹp, dễ thương để tôi có thể kể cho người khác. Đợt Noel, anh nhớ các món ăn truyền thống của Ba Lan - đặc biệt là món súp củ dền và tôi đã làm, khi trình bày món ăn rất giống phiên bản gốc. Anh còn thốt lên: "Đẹp thật, y chang nhau mà khác mỗi cái vị". Chúng tôi thẳng thắn với nhau, nói thật về chất lượng các bữa ăn vì biết là những điều này không làm tổn thương nhau. Anh ấy biết là các nhận xét của anh về món ăn tôi nấu thì chỉ làm tôi buồn cười hơn, vui hơn.

Vợ chồng Phương Mai - Marcin Miller vẫn có được tình yêu nồng nhiệt như thưở mới quen, dành cho nhau những buổi hẹn hò riêng hay cùng chăm con.

Vợ chồng Phương Mai - Marcin Miller không coi "tình yêu là nấm mồ của hôn nhân" vì từ khi kết hôn vẫn có những buổi hẹn hò riêng với nhau để hâm nóng tình cảm và có mối quan tâm chung là bé Henryk. Khi lên chức, anh Marcin luôn đồng hành với vợ, làm việc nhà, chăm con khéo khiến Phương Mai yên tâm lúc đi làm xa.

- Có thể nói, chồng nhận xét món chị nấu rất thẳng thắn. Vậy khi anh vào bếp thì thế nào?

- Anh ấy có một món đặc sản gọi là thịt bò bít tết chanh, ăn chua loét nhưng mà mỗi lần thưởng thức, chúng tôi rất vui bởi vì việc nấu cơm với nhau là một trải nghiệm thú vị. Đồ ăn có thể dở nhưng cảm xúc mà chúng tôi đặt vào nó rất tích cực. Bếp núc không biến thành một thứ nghĩa vụ buộc phải làm, không biến thành một thứ mà tôi phải nhăn nhó mỗi khi nghĩ đến.

Vào Noel năm ngoái - dịp lễ rất quan trọng với anh Marcin, tôi tự mình trang hoàng nhà cửa, mua những bộ bát đĩa mới, đặt hoặc làm các món ăn cho bữa tiệc Giáng sinh. Lúc ấy, ai cũng rất ngạc nhiên, thương tôi khổ thân quá vì bận rộn, cực nhọc. Nhưng thực tế tôi thấy rất vui bởi vì tôi làm một cách tự nguyện và thấy hạnh phúc khi mang lại niềm vui cho chồng.

Tôi muốn nói là không phải ai cũng có khả năng bếp núc. Thực tế là việc dọn nhà khi nào tôi thích thì tôi làm, còn không thích thì sẽ thôi nhưng tôi dọn không sạch vì không sinh ra để làm việc đấy. Chuyện nấu cơm cũng thế. Nhiều cặp giống như tôi và anh Marcin, đều không thích làm việc nhà, không thích nấu cơm thì áp đặt nhau để làm gì? Vì thế, bài toán cho chúng tôi là kiếm ra nhiều tiền hơn để nhờ người khác làm giùm những công việc nhà.

- Vậy hiện tại anh chị giải quyết bài toán chi tiêu gia đình như thế nào - vốn là một vấn đề mà nhiều người gặp phải trong hôn nhân?

- Chúng tôi xác định là cả hai là một đội với nhau nên cùng đóng góp kinh tế. Phụ nữ đảm đương kinh tế một phần để có thể giữ được vị thế của bản thân. Hơn nữa, tôi cũng không muốn phụ thuộc vào người khác. Khi tôi có tiền, có sự nghiệp thì cũng có quyết định của riêng mình. Còn những chi phí sinh hoạt nho nhỏ hàng ngày, anh Marcin tự nguyện chi trả hết bởi đối với anh, những thứ đó nhỏ không đáng để chia hóa đơn. Còn những chuyện lớn hơn thì đương nhiên cả hai phải cùng trò chuyện và rút ra kết luận, để có được cuộc sống hôn nhân ổn định và cuộc sống cứ thế mà đi lên.

Ý kiến bạn đọc