Thủy Anh: 'Dùng đòn roi khi học online với con là thất bại của bố mẹ'

Gia đình Thứ 7, 02/10/2021 23:24:29 PM Theo Ngôi sao

Thủy Anh cho rằng hành động cáu gắt, dùng đòn roi với con thể hiện sự bất lực của phụ huynh trong việc hỗ trợ con học.

Gia đình Thủy Anh - Đăng Khôi.

Gia đình Thủy Anh - Đăng Khôi.

Nhịp sống của gia đình Thủy Anh những ngày qua diễn ra thế nào?

- So với những tháng đầu bùng dịch, cả gia đình tôi đã dần quen với guồng quay của công việc và cuộc sống hiện tại. Ken và Đăng Anh vẫn học online mỗi ngày, còn tôi và anh Khôi làm việc từ xa. Công việc có bớt đi một chút nhưng hai vợ chồng lại bận rộn hơn với việc nhà, chăm con. Những ngày dịch giã thế này, mối quan tâm của tôi tập trung vào gia đình. Vợ chồng tôi nghĩ ra nhiều hoạt động cùng làm với con, vừa gắn kết gia đình, vừa để các con có thể duy trì lối sống lành mạnh mà không cảm thấy áp lực hay mệt mỏi trong thời gian này.

Ken và Đăng Anh đều đã bước vào năm học mới. Chị đối mặt với những áp lực gì khi cùng con học online ở nhà?

- Có rất nhiều áp lực mà tôi hay các bà mẹ phải đối mặt khi học cùng con. Thứ nhất, con học - mẹ cũng phải học. Vì con học ở nhà nên việc kèm con học phải sát sao hơn. Nhiều kiến thức mẹ cũng phải xem lại mới có thể dạy được con.

Thứ hai, trường học là một môi trường xã hội. Do đó, áp lực của gia đình không chỉ là chuyện dạy con học thêm kiến thức mà còn phải giúp con vẫn có được những giao tiếp xã hội, thích nghi với môi trường mới là trường học. Riêng Đăng Anh năm nay vào lớp một. Tôi không chỉ dạy con học mà còn chỉ cho con những bài học về giao tiếp với bạn bè, cư xử ra sao với thầy cô.

Thứ ba, khi học cùng con đồng nghĩa với thời gian của mình dành cho những việc khác cũng bị cắt giảm. Học cùng con đồng nghĩa với việc đánh đổi thời gian nghỉ ngơi, làm việc của bản thân. Nhưng có lẽ trong mùa dịch này, con cái vẫn sẽ là ưu tiên hàng đầu để tôi dành thời gian.

- Việc học online của hai bé nhà chị diễn ra thế nào?

- Vào các giờ học chính khóa, tôi luôn phải giúp các con vào đầu buổi học. Thời gian đầu sẽ phải ngồi cạnh các bé nhiều, còn đến bây giờ các con chủ động hơn với việc học, đặc biệt là Ken khi cậu cả đã lớn rồi. Tôi chủ yếu phải phụ Đăng Anh học bài vì con mới vào lớp một. Vai trò của mẹ sẽ nhiều nhất trong các khung giờ con tự học hay làm bài tập ở nhà. Tính ra mỗi ngày cũng phải dành cho hai con vài tiếng đồng hồ. Ngoài lịch học chính vào sáng hoặc chiều, buổi tối các con làm bài tập về nhà nên tôi cũng phải hỗ trợ con rất nhiều.

Theo tôi, học tập dù ở hình thức nào đi chăng nữa cũng có những điểm mạnh và điểm chưa mạnh. Học online cũng vậy. Tôi nghĩ học online dành cho học sinh lớp một sẽ có những điểm chưa thực sự hiệu quả nhưng giữa việc theo đuổi tri thức cho trẻ và ngừng học chỉ vì một vài điểm chưa mạnh, tôi vẫn sẽ tạo điều kiện để con tiếp cận với tri thức. Quan trọng nằm ở việc mình khắc phục những điểm yếu của việc học online như thế nào. Nếu con cần sự kèm cặp nhiều hơn, mẹ sẽ thay cô giáo hướng dẫn con. Nếu khả năng tập trung của con hạn chế, các tiết học có thể có khoảng nghỉ dài hơn. Nếu con gặp trở ngại về Internet và công nghệ, mẹ sẽ giúp con với các công cụ kỹ thuật.

Nuôi một đứa trẻ cần một ngôi làng, học tập online cũng cần một "ngôi làng" để con có thể học tập hiệu quả.

Cặp sao vừa học, vừa chơi cùng hai con.

Cặp sao vừa học, vừa chơi cùng hai con.

Chị và chồng phân chia công việc thế nào để giám sát, hướng dẫn, khích lệ các con khi hai bé chưa thể đến trường?

- Học online hay học trực tiếp muốn hiệu quả đòi hỏi phải có sự tham gia của cả ba bên là nhà trường, phụ huynh và học sinh. Nhiều phụ huynh có con mới học online đã liên tục nghĩ rằng không hiệu quả thì chắc chắn việc học sẽ không hiệu quả cho con. Con học online, bố mẹ phải vững vàng với tâm thế hỗ trợ con nhất có thể chứ không phải bàn lùi.

Cả hai vợ chồng tôi đều tạo điều kiện, hỗ trợ tinh thần cho con, nhất với việc học online. Ngoài việc học bài và làm bài tập về nhà, bố mẹ cũng tạo không gian cho con trải nghiệm giống với trường học. Tôi cho con được học thêm các kỹ năng mềm, học nấu ăn, tham gia các hoạt động thể thao, dành nhiều thời gian trò chuyện với bố mẹ. Tôi nghĩ bố mẹ đóng vai trò rất quan trọng trong việc kiến tạo trải nghiệm học tập toàn diện của con. Mùa dịch phải học online, vai trò này lại càng rõ rệt.

- Phương pháp nào giúp các bé nhà chị tập trung, tiếp thu được kiến thức khi học trực tuyến?

- Để các con tập trung, tiếp thu kiến thức khi học trực tuyến, đầu tiên phải chọn cho con một không gian học yên tĩnh, tránh xa giường ngủ và những thứ dễ khiến con bị xao nhãng. Thứ hai phải chuẩn bị cho con tâm thế như đang học thật, nghĩa là con nên mặc quần áo chỉn chu, ngồi vào bàn ngay ngắn. Thứ ba là cần có quy định rõ ràng với con, dù học ở nhà thì cha mẹ cũng cần đưa cho con những quy định về việc học, chơi, nghỉ ngơi, ăn uống để con thấy có trách nhiệm với thời gian.

Tôi nghĩ khi làm bài tập, việc nhìn thấy ứng dụng của bài tập trong thực tế sẽ là cách để con củng cố kiến thức tốt. Tôi sẽ hướng dẫn nếu có chỗ nào con chưa hiểu, nhưng tuyệt đối không làm bài hộ con.

- Nếu giải thích, hướng dẫn làm bài mãi mà con vẫn chưa hiểu, chị sẽ làm gì?

- Kiên nhẫn là điều tiên quyết khi dạy con học. Làm mẹ đã là một sự kiên nhẫn đằng đẵng, cố gắng thêm chút nữa khi dạy con học là điều các bà mẹ nên làm. Sáng tạo là yếu tố thứ hai. Nếu con chưa hiểu bài, hãy nghĩ ra cách khác để đặt vấn đề lại với con. Nếu sau đó con vẫn chưa hiểu, mẹ sẽ tìm sự trợ giúp của những người khác để giúp con.

Ken (phải) và em trai Đăng Anh trong một lần bị mẹ phạt đứng nghiêm khoanh tay.

Ken (phải) và em trai Đăng Anh trong một lần bị mẹ phạt đứng nghiêm khoanh tay.

- Nhiều phụ huynh cáu gắt, phải dùng đến đòn roi khi cùng con học trực tuyến. Chị nghĩ sao?

- Giáo dục không nước mắt và giao tiếp phi bạo lực là quan điểm dạy trẻ của tôi, trừ những trường hợp con xúc động hay cảm xúc mạnh. Chúng ta cáu gắt với con, thực chất là đang cáu gắt với sự bất lực của mình trong việc hỗ trợ con học, trong việc điều chỉnh thiết bị học phù hợp. Dùng roi với trẻ vì những điều như vậy là vô lý cho trẻ. Mình cứng rắn trong việc dạy con nhưng không phải bằng đòn roi. Tôi nghĩ khi việc học tập phải sử dụng đến đòn roi, đó là thất bại của cả gia đình và nhà trường.

Tuy nhiên, nói vậy không phải là tôi chỉ dùng những lời nói nhẹ nhàng, khen ngợi con quá nhiều, mà tôi có đặt ra các nguyên tắc, có thưởng và có phạt. Nếu Ken và Đăng Anh vi phạm, tôi vẫn nghiêm túc nhắc nhở, phân tích và có hình phạt tương xứng với lỗi của con. Ví dụ như con sẽ không được xem tivi trong ngày hôm nay, hoặc con sẽ tự đứng một góc và suy ngẫm về việc mình vừa gây ra.

- Chị và chồng thường làm gì để giảm áp lực học hành cho con?

- Học và nghỉ ngơi, học và chơi cần phải xen kẽ với nhau. Thực tế trẻ học qua rất nhiều giác quan nên đừng nghĩ thời gian chơi là trẻ không học. Vì vậy, tôi và anh Khôi cũng thường xuyên cho con tham gia các hoạt động sáng tạo, nấu ăn, chơi thể thao, đọc sách hay nghỉ ngơi thư giãn.

- Chị thấy tính cách, suy nghĩ của mình thay đổi thế nào khi làm bạn và học cùng con thời gian qua?

- Tôi kiên nhẫn hơn rất nhiều và thấu hiểu những nỗi vất vả của trẻ trong việc học. Thời gian đầu, tôi cũng gặp áp lực và lo lắng như bao phụ huynh khác. Có hôm anh Khôi bận nên không thể chia sẻ việc kèm con học, tôi phải học với con từ sáng đến tối. Gặp trở ngại trong việc kèm con học, tôi đã rất căng thẳng và ôm mặt khóc. Sau lần đó, tôi cùng chồng ngồi lại tìm phương thức để học cùng con. Anh Khôi đã động viên tôi rất nhiều và giải phóng suy nghĩ cho tôi. Đúng là nếu mình cứ suy nghĩ tiêu cực thì bản thân mình sẽ mệt mỏi đầu tiên, sau đó người chịu ảnh hưởng trực tiếp chính là các con của mình. Đó là điều không đáng có.

Đây thực sự là khoảng thời gian cha mẹ có thể "dự giờ" mọi tiết học của con và thấy những chật vật của con trong những ngày đầu tới trường. Nhìn ở một khía cạnh tích cực, đó cũng là cơ hội ý nghĩa để phụ huynh hiểu con hơn, hiểu rằng con "không chỉ có mỗi việc học mà cũng không xong". Học tập chưa bao giờ là dễ dàng và các con đã bắt đầu một hành trình như vậy đầy khác thường.

- Sau 3 tháng kèm cặp, chị thấy các con tiến bộ thế nào?

- Các con bắt kịp nhanh với việc học online hơn mình tưởng. Cả Ken và Đăng Anh đều là những đứa trẻ thông minh, hiếu động. Xét theo lý thuyết 8 loại trí thông minh, tôi đánh giá những khả năng thông minh vận động hay xã hội của con rất tốt.

Để con tự lập trong học tập, cha mẹ cần biết "buông" con ra đúng lúc. Quan điểm của tôi là không làm bài hộ con, không trực tiếp tham gia vào quá trình học của con ở trên lớp. Mẹ chỉ là người hỗ trợ, đồng hành, gợi ý cho con với việc học tập, còn con mới là người phải đưa ra quyết định với việc học của mình.

Ngay từ ngày dịch bùng phát, tôi đã ý thức được tầm quan trọng của việc "tự học". Lúc đó bé Đăng Anh chuẩn bị vào lớp một mà con chưa biết một chữ tiếng Việt hay tiếng Anh nào. Nhưng tôi đã quyết tâm lên kế hoạch dạy con và đồng hành cùng con trong việc học. Đến bây giờ tôi rất tự tin khi thấy con bắt nhịp rất nhanh với thầy cô và bạn bè. Con nói tiếng Anh rất tốt và thể hiện sự đam mê trong việc học. Nhờ có khoảng thời gian này mà tôi nhận ra những năng khiếu của con mình.

Thủy Anh chăm vào bếp thời dịch.

Thủy Anh chăm vào bếp thời dịch.

- Chị bồi bổ gì cho các con trong thời gian này?

- Có lẽ cũng không có gì quá đặc biệt khi Thủy Anh vẫn đảm bảo cân bằng đủ dinh dưỡng cho con như thường ngày. Mùa dịch này gia đình cũng để tâm hơn tới các thực phẩm sạch, ăn gì để tăng sức đề kháng, thường xuyên bổ sung nước hoa quả.

Trẻ em hiếu động, độ tuổi này cần bổ sung nhiều năng lượng nên tôi cũng cố gắng để chia nhiều bữa nhỏ cho con trong ngày. Nhưng quan trọng nhất là tôi và gia đình đã học được một bài học sau tất cả những gì chúng ta cùng trải qua, đó là việc sống đơn giản. Ăn uống đơn giản, ít món đi, sống đơn giản hơn, bớt suy nghĩ để hướng đến một cuộc sống tích cực, không cần hoàn hảo, giải phóng tinh thần bên trong mỗi con người.

- Chị và chồng làm gì để luôn giữ tinh thần lạc quan?

- Hai vợ chồng cũng bị ảnh hưởng bởi dịch nhưng trộm vía vẫn có thể làm việc ở nhà online. Tôi và anh Đăng Khôi cố gắng cân bằng cả công việc và việc nhà. Không hiểu sao nhìn bề ngoài tôi nhẹ nhàng nhưng bên trong tôi khá mạnh mẽ. Càng gặp khó khăn, trở ngại, tôi càng không bị khuất phục. Tôi học được cách thay đổi, và tôi thấy thay đổi mới có thể tồn tại được.

Để những tháng nghỉ dịch không vô nghĩa, tôi đã cùng anh Khôi lên kế hoạch phát triển kênh TikTok riêng của gia đình. Phần là vì để mình không bị "nhàn hạ", phần là việc gò mình phát triển thêm một nền tảng mới, hướng đến đa nền tảng trong thời đại số. Và sau ba tháng, nhờ sự chăm chỉ hợp tác của anh Khôi, cùng với việc lựa chọn đúng êkíp và đi đúng định hướng, kênh TikTok của vợ chồng tôi có 400.000 followes với hàng chục video trên triệu views.

Sau tất cả, tôi muốn truyền cảm hứng tới mọi người, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, chúng ta hãy suy nghĩ tích cực và cố gắng thay đổi, chăm chỉ lao động thì thành quả sẽ tới với chúng ta.

Thủy Anh kết hôn với Đăng Khôi năm 2013. Sau cưới, cô không làm diễn viên, người mẫu ảnh mà chuyển qua quản lý công việc cho chồng, mở công ty giải trí. Vợ chồng cô có hai con trai: Đăng Khang (10 tuổi) và Đăng Anh (7 tuổi).

 

Ý kiến bạn đọc