7 bước dưỡng thai 'vào con không vào mẹ' của nữ BTV truyền hình

Gia đình Thứ 4, 08/05/2019 23:09:34 PM Theo Ngôi sao

Ngô Như Quỳnh không kiêng khem khắc nghiệt nhưng tuân thủ các quy tắc ăn uống, tập luyện để kiểm soát cân nặng của mẹ và bé.

Ngô Như Quỳnh sinh con trai ở tuổi 35. Cô là biên tập viên (BTV) đài truyền hình TP HCM, KOL/Influencer (nhân vật truyền cảm hứng trên mạng xã hội) trước khi có thêm công việc "mẹ bỉm sữa". 9 tháng thai kỳ của Ngô Như Quỳnh (Quỳnh Scarlett) diễn ra suôn sẻ. Cô luôn giữ tâm trạng thoải mái, duy trì vóc dáng gợi cảm và đảm bảo em bé trong bụng phát triển đúng lộ trình.

Quỳnh tăng 8 kg lúc lên bàn sinh, con trai chào đời nặng 3,5 kg sau ca sinh thường. Không lâu sau đó nữ BTV lấy lại thân hình thon gọn thời con gái và được nhận xét "cơ thể không hề có dấu hiệu trải qua sinh nở".

MC Ngô Như Quỳnh khoe sắc vóc khi con trai 

BTV Ngô Như Quỳnh khoe sắc vóc khi con trai được 4 tháng tuổi.

Trong thời gian mang thai, Ngô Như Quỳnh tăng cân theo các giai đoạn:

- 3 tháng đầu: không tăng, thậm chí sút 1 kg do nghén

- 3 tháng giữa: tăng 6 kg, mỗi tháng tăng 2 kg

- 3 tháng cuối: tăng 3 kg, mỗi tháng tăng 1 kg.

Để có kết quả này, nữ BTV cho biết ngoài cơ địa hấp thụ tốt, ít tăng cân còn nhờ chế độ ăn uống, luyện tập phù hợp. Cô lựa chọn phương pháp sinh thường nên giữ con ở mức 3,5 kg; khi xuất hiện những dấu hiệu tăng - giảm cân bất thường sẽ lập tức điều chỉnh thói quen sinh hoạt để kiểm soát trọng lượng cơ thể của cả mẹ và bé.

1. Về ăn uống:

Điều chỉnh chế độ ăn uống ngay khi biết tin mang thai:

- Những thực phẩm tránh xa: Đồ ăn sống (sashimi, sushi), đồ có khả năng nhiễm khuẩn (các loại mắm, đồ chua, rau sống...); hạn chế cafe, rượu; tránh xa khói thuốc; những đồ có khả năng ảnh hưởng tới thai nhi (rau răm, rau ngót, cá thu, cá ngừ, đu đủ xanh, khoai mì...)

Chế độ ăn theo nguyên tắc: Không tuân thủ quan niệm "ăn cho hai người", ăn vừa đủ theo nhu cầu. Cụ thể là:

- Ăn như bình thường, bớt 1/2 lượng tinh bột và tăng gấp đôi lượng đạm. Ví dụ: Ăn phở bò - bớt một nửa bánh phở và thêm một phần bò, một quả trứng chần/ăn cơm tấm - bớt cơm, thêm sườn, ăn cơm nhà - bớt cơm, thêm cá và rau, thịt

- Ăn đa dạng, thay đổi luân phiên để chống ngán: Sáng thịt (heo/gà) - Trưa cá/trứng/đậu - Chiều bò/hải sản rồi xoay vòng. Ví dụ: Sáng ăn bún/phở/hủ tíu. Trưa ăn cơm cá kho/chiên. Tối ăn cua/tôm hấp hoặc bò nướng. Ăn món mình thích, ăn thấy ngon miệng, dinh dưỡng mới vào con

- Ăn nhiều rau xanh và củ, quả để khỏi táo bón

- Chế biến thức ăn ưu tiên hấp, luộc, nướng, canh, hạn chế chiên, xào

- Ăn ít ngọt (để tránh tiểu đường). Các món nước uống không hoặc ít đường. Trái cây ít ngọt. Hạn chế kem, chè, trà sữa

- Uống nhiều nước (để đủ ối)

- Uống nước cam mỗi ngày một ly để tăng sức đề kháng, hoặc luân phiên thay đổi với các loại nước ép khác (bưởi, táo, dưa hấu, dâu, sơri...)

- Mỗi ngày một ly sữa tươi không đường để bổ sung canxi (không uống sữa bầu).

- Ngoài các bữa chính, nếu đói thì ăn thêm bữa phụ như: Sữa ngũ cốc, chè đậu đen/xanh (ít đường), khoai lang luộc, sữa chua (tốt tiêu hoá tránh táo bón), trái cây ít ngọt (táo, thanh long, ổi, mận...), các loại hạt óc chó, macca, hạnh nhân...

- Sau ba tháng bắt đầu uống nước dừa mỗi tuần 2-3 trái; nước mía mỗi tuần một ly. Sau 6 tháng ăn trứng vịt lộn mỗi tuần hai quả; ăn yến nếu có điều kiện, mỗi tuần 2-3 chén (mỗi chén 1/2 tai yến).

- Những gì trong danh sách nên hạn chế nhưng thấy thèm thì cứ ăn cho tâm trạng vui. Tuy nhiên, không nên ăn thả ga, chỉ cho phép bản thân ăn một chút. 

Bà mẹ một con gợi cảm lúc mang bầu.

Bà mẹ một con gợi cảm lúc mang bầu.

2. Về dinh dưỡng bổ sung

- Uống thêm vitamin, canxi, DHA (liều lượng theo chỉ dẫn của bác sĩ)

- Không dùng thuốc nếu không được cho phép

- Dừng các loại collagen, vitamin làm đẹp (Dừng luôn các phương pháp làm đẹp xâm lấn như tiêm chích, laser...), nhuộm tóc, sơn móng...

3. Về tập luyện

Từ sau ba tháng có thể tập luyện các môn sau:

- Yoga bầu: Tuần 2-3 buổi, mỗi buổi từ 45 phút đến 1 giờ. Tập nhẹ. Hít thở.

- Bơi: 2-3 lần/tuần, mỗi lần 30 phút. Bơi nhẹ nhàng.

- Đi bộ chậm: Mỗi ngày 30 phút, hoặc 3 buổi/tuần.

- Thiền (nếu được, không thì thôi): Nên tập thiền buông thư (thiền nằm) cho dễ, khoảng 5-10 phút mỗi ngày.

4. Về thăm khám

- Ngay lúc có bầu nên đi khám để xác định tình trạng sức khoẻ mẹ và con. Sau đó tuân thủ lịch khám suốt thai kì theo lịch hẹn bác sĩ.

- Nếu được, nên theo một bác sĩ ở bệnh viện uy tín để bác sĩ nắm rõ tình hình sức khoẻ của mẹ bầu.

- Mỗi lần siêu âm nhớ hỏi kĩ về cân nặng, chiều dài bé để có phương án điều chỉnh chế độ ăn. Hỏi cả nước ối để biết tăng, giảm lượng nước.

- Trước khi dùng bất kì thuốc hay thực phẩm nào, nếu không yên tâm, nên hỏi bác sĩ.

5. Về nghỉ ngơi - giải trí

- Đi ngủ sớm, tốt nhất trước 22h, muộn nhất là 23h.

- Dậy lúc 6h, phơi nắng (nếu có điều kiện) chừng 15-30 phút.

- Nghe nhạc hòa tấu, cổ điển, thư giãn, nhạc cho thai nhi.

- Đọc sách về thai giáo, các loại sách tình cảm. Không đọc sách chủ đề nhạy cảm, dễ kích động tâm trạng.

- Xem phim hài hay phim tình cảm nhẹ nhàng trước tuần 30 của thai kỳ, sau đó ngừng vì âm thanh lớn không tốt cho bé.

- Có thể đi du lịch sau tháng thứ ba và trước tháng thứ 7. Đi bằng các phương tiện ít xóc. Đi biển rất tốt cho sức khoẻ.

- Hẹn hò gặp gỡ bạn bè chuyện trò, tán gẫu giúp tâm trạng thoải mái.

- Nếu thèm có thể uống chút cà phê, rượu đỏ chừng nửa ly mỗi tuần.

6. Về tâm lý, tinh thần

- Luôn tâm niệm đây là khoảng thời gian đẹp nhất cuộc đời người phụ nữ, tận hưởng mọi thay đổi của cơ thể mình, cười nhiều.

- Nghĩ tới con và ước mong con khoẻ mạnh sẽ là động lực để ăn uống và tập luyện hiệu quả.

- Có thái độ bình thường hoá với mọi khó chịu thai kì như nghén, ói, phù, chuột rút, tiểu đêm, đau nhức, khó chịu... vì đó là tất yếu của việc có thêm một sinh linh khác bên trong mình. Khi mình không làm quá, mọi chuyện sẽ trở nên nhẹ nhàng.

- Nếu thấy bất an hay trầm cảm, hãy nghĩ tới biết bao người phụ nữ không thể có con, để tự nhủ mình quá may mắn, không nên than thở nhiều.

- Kết nối với những người bạn đang có bầu hoặc đã từng sinh nở để chuyện trò, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm.

Nhờ thực hiện chế độ ăn - tập luyện - nghỉ ngơi như trên, cộng với tâm trạng thoải mái, nên 9 tháng mang bầu của BTV Như Quỳnh diễn ra nhẹ nhàng như "cuộc dạo chơi". Lúc lên bàn sinh, cô nặng 58 kg và sau khi vượt cạn còn 54 kg; một tháng sau sinh đã trở về mức cân nặng cũ mà không phải xông hơi, ủ muối. Vùng bụng phẳng, da căng, không vết rạn.

Theo Quỳnh, mang bầu đẹp không chỉ có ích về mặt thẩm mỹ mà tác động tích cực tới sức khỏe mẹ và bé, giảm thiểu nguy cơ trầm cảm. Không tăng nhiều cân khi mang thai, hành trình đi sinh của Quỳnh nhẹ nhàng, sinh xong nhanh chóng có lại sự tự tin để sẵn sàng bước vào "cuộc chiến" nuôi con nhiều thử thách.

Ý kiến bạn đọc