Bác sĩ gia đình kể số phận những người bị 'lãng quên' giữa đại dịch

Gia đình Thứ 7, 02/05/2020 20:30:06 PM Theo iOne, Aljazeera

Bác sĩ Amir Khan của NHS tại Anh đau lòng chứng kiến những người cao tuổi dễ bị tổn thương sống trong nhà dưỡng lão bị bỏ lại trong cuộc chiến chống Covid-19.

Tôi là bác sĩ hơn 15 năm. Tôi không thể nhớ được lần cuối mình cảm thấy thế này là lúc nào nữa. Trước đại dịch Covid-19, mỗi ngày với tôi đều dài và đòi hỏi nhiều sức lực, nhưng chưa là gì so với tình hình hiện tại. Tôi là một bác sĩ đa khoa, bác sĩ gia đình ở một phòng khám bận rộn trong thành phố ở phía bắc nước Anh. Có nhiều thiếu thốn trong lĩnh vực này và bệnh nhân mang các sắc tộc khác nhau.

Chúng tôi phải chăm sóc cho các bệnh nhân trong một vài nhà dưỡng lão khu vực. Họ dễ bị tổn thương và có nhiều bệnh lý nền. Họ là đối tượng nếu nhiễm phải Covid-19 sẽ dễ lâm vào tình trạng nguy kịch và có khả năng phát triển biến chứng nghiêm trọng, thậm chí có thể tử vong. Khi bệnh viện khu vực đều lấp đầy bệnh nhân cũng là lúc nhiều quyết định khó khăn được đưa ra.  

Sự thật là những người cao tuổi trong các nhà dưỡng lão ít có khả năng hồi phục khi ở trong khoa chăm sóc tích cực như những người trẻ, khỏe mạnh hơn. Họ cũng khó có cơ hội sống sót nếu thiếu máy thở. Điều này rất khó khăn, nhưng đây là thực tế đáng buồn mà chúng ta đang gặp phải.

Cheryl Williams, một trong những người hùng của NHS, qua đời vì nhiễm Covid-19.

Cheryl Williams, một trong những "người hùng" của NHS, qua đời vì nhiễm Covid-19.

Khi Covid-19 "gõ cửa" một trong các nhà dưỡng lão, một bệnh nhân lớn tuổi được xác nhận dương tính với virus. Người này được đưa vào khoa cấp cứu tại bệnh viện nhưng sau đó lại được gửi về nhà để chăm sóc. Điều này đẩy nhà dưỡng lão vào tình huống khó khăn: bệnh nhân cần được chăm sóc nhưng những người còn lại sẽ gặp nguy hiểm.

Bệnh nhân được cách ly trong một phòng ở nhà dưỡng lão và các nhân viên đều mặc đồ bảo hộ để chăm sóc. Nhưng bất chấp nỗ lực, một tuần sau, tôi nhận được một cuộc điện thoại cho biết 3 bệnh nhân nữa ở đây đang có thân nhiệt cao và bị ho. Tôi tự mặc đồ bảo hộ và tới nhà dưỡng lão để khám cho họ. 

Nhiều người già ở đây mắc bệnh mất trí nhớ. Những bệnh nhân cho rằng bộ dạng của tôi trong bộ đồ và mắt kính bảo hộ trông rất khó chịu. Họ không hiểu tại sao mình bị bắt ở trong phòng hay người thân không được tới thăm. Họ đều có triệu chứng của virus, sức khỏe yếu và nhiều bệnh nền khác. Tất cả điều này sẽ không giúp ích cho họ khi nằm viện.

Các bác sĩ đa khoa ở Anh đều không có cách nào để xét nghiệm cho bệnh nhân độ tuổi này. Hơn nữa, gần đây, số liệu từ chính phủ Anh chỉ liệt kê các bệnh nhân tử vong trong bệnh viện. Các bệnh nhân tử vong ở nhà dưỡng lão hoặc không được xét nghiệm bị bỏ ra khỏi số liệu trên toàn quốc. Họ thực sự trở thành những "nạn nhân bị lãng quên".

Tôi phải đưa ra quyết định đau đớn rằng tất cả bệnh nhân ở nhà dưỡng lão nhiễm virus đều buộc phải giữ họ ở nhà. Mục tiêu của tôi bây giờ là khiến họ thoải mái. Sau khi khám cho các bệnh nhân mới, tôi quay lại phòng khám và gọi cho vợ, chồng, con cái của họ. Trong điều kiện bình thường, tôi sẽ gọi những người này đến phòng khám và nói chuyện trực tiếp, nhưng lúc này thì không thể. 

Các biện pháp giãn cách xã hội khiến tôi phải tư vấn cho họ qua điện thoại. Tôi thông báo rằng người thân của họ có thể đã nhiễm nCoV. Ai cũng khóc khi tôi giải thích rằng họ không thể thăm người thân vì nguy cơ nhiễm virus là rất cao. Họ cũng không thể nắm tay hay động viên người thân trong thời điểm khó khăn nhất. Họ đều hỏi tôi liệu người thân đang ở viện dưỡng lão có thể vượt qua được căn bệnh này không. Đó là phần khó nhất. Tôi nghĩ về việc sử dụng câu trả lời thông thường của bác sĩ là không ai biết và đôi khi con người ta có thể chiến thắng bệnh tật nhưng lần này điều đó không đúng đắn. Do vậy, tôi đảm bảo người thân của họ sẽ được thoải mái, rằng họ sẽ không phải đau đớn. Và trên hết, tôi sẽ cố gắng để duy trì nhân phẩm của họ, nhưng có khả năng cao họ sẽ qua đời. 

Trước khi gọi gia đình tiếp theo trong danh sách, tôi ngẫm lại từng trường hợp trước đó. Không có gì lạ khi tôi phải nói rằng người thân của họ sắp qua đời. Tôi đã làm việc đó nhiều đến mức tôi không còn thấy nó khó khăn nữa. Nhưng những trường hợp này chỉ là số ít trong rất nhiều bệnh nhân tôi đã chữa trị khỏi. Sự khác biệt lần này là ở mức độ của mỗi cuộc gọi, rằng nỗi buồn cũng trở nên khác nhau. Mỗi cuộc gọi đều có một câu chuyện, chẳng hạn như bệnh nhân gặp vợ của mình thế nào, cầu hôn ra sao, một người mẹ chở con trai tới buổi khiêu vũ đầu tiên thế nào và người ông mua gì nhân ngày sinh nhật 5 tuổi của cháu trai. 

Tôi kiểm tra các bệnh nhân này hàng ngày. Đôi khi tôi làm việc này bằng điện thoại, có lúc sẽ mặc đồ bảo hộ và tới gặp họ trực tiếp. Nếu họ đang khó thở, tôi sẽ tăng liều lượng thuốc để giúp giảm dịch phổi. Nếu họ bị kích động vì thiếu oxy, tôi sẽ cho họ uống thuốc để bình tĩnh lại. Nếu họ đau, tôi sẽ tăng liều thuốc giảm đau.

Tình trạng của những bệnh nhân này vẫn ngày càng tệ đi. 5 ngày sau, bệnh nhân nhiễm virus đầu tiên qua đời. 4 ngày sau đó, 2 người nữa cũng không thể qua khỏi. Tới cuối tuần, tôi đã quá mệt mỏi. Trở về nhà, trong đầu tôi chỉ nghĩ đến câu chuyện của họ.

Đây là câu chuyện của những nhà dưỡng lão trên khắp nước Anh và thế giới nói chung. Virus đã khiến công việc của các bác sĩ gia đình như tôi thay đổi. Và nó sẽ là điều không bao giờ có thể quên trong cuộc đời tôi...

Ý kiến bạn đọc