Hậu trường Thứ 7, 11/09/2021 22:17:21 PM Theo Ngôi sao
THÁI LAN - Hoa khôi Học đường 1994 Thủy Tiên kết hôn với ông xã người Nhật Bản năm 2003, có duy nhất một con gái nên chỉ mong con trở thành một người tốt, sống có ích cho xã hội.
- Điều gì ở ông xã đã chinh phục được trái tim của chị?
- Từ thời thiếu nữ, tôi quan điểm nếu cưới một người làm chồng, bắt buộc đó phải là người cha tốt của con mình trong tương lai. Với anh, từ những ngày đầu tiếp xúc, tôi nhận ra anh có những đặc điểm phù hợp: không hút thuốc, thương trẻ con, yêu động vật và có tấm lòng nhân ái, thường giúp đỡ người khó khăn. Chính điều đó cho tôi niềm tin tưởng có thể cùng anh xây dựng tổ ấm. Anh còn cố gắng học tiếng Việt giúp cho việc kinh doanh dễ dàng, trò chuyện với vợ và gia đình bên vợ nhiều hơn. Ngay từ lần đầu ra mắt, ba mẹ tôi đã có nhiều cảm tình với anh và chấp thuận để cả hai tìm hiểu tình cảm với nhau.
Sau khi kết hôn, anh hết lòng yêu thương vợ con, nếu có thời gian là sẵn sàng hỗ trợ tôi trong kinh doanh lẫn việc nhà. Tôi thấy mừng khi càng ở bên nhau chúng tôi càng yêu đậm sâu, không có dấu hiệu chán nản.
- Giã từ showbiz và sang Thái Lan định cư, cuộc sống của chị thế nào?
- Sau kết hôn hơn 5 năm, gia đình tôi qua Thái Lan định cư. Bước sang môi trường mới, tôi phải bắt đầu lại mọi thứ, đầu tiên là ngôn ngữ. Tôi chỉ học vài tháng ở trường chính quy, còn lại chủ động học hỏi từ những người dân mà mình gặp gỡ hàng ngày. Dĩ nhiên, phát âm và ngữ pháp không chính xác như ở trường lớp, song vốn tiếng Thái của tôi dần tiến bộ lên, đủ giao tiếp, phiên dịch cho chồng con mỗi lần cả nhà đi chơi, ăn uống. Nhiều bạn bè khen khiến bản thân tôi vừa vui mừng vừa không quên bày tỏ niềm biết ơn. Mỗi người Thái chính là một người thầy của tôi.
Vượt qua trở ngại khó nhất ấy, cuộc sống của gia đình tôi ở Thái dần ổn định. Tôi tập làm quen với văn hóa nước bạn như câu tục ngữ "Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài". Về công việc, vợ chồng tôi mở một nhà hàng Việt Nam tại Bangkok. Con gái duy nhất - Midori Thuý Ái - năm nay 17 tuổi, đang theo học một trường quốc tế. Nhìn chung, mọi thứ đều thuận lợi, bình an.
- Chị thấy con gái giống bố mẹ ở điểm nào?
- Tôi thấy con giống mẹ ở tính nóng nảy, quyết đoán, mạnh mẽ. Thế nhưng, sống mà nóng tính, bản ngã quá lớn dễ khổ tâm và làm tổn thương mình cùng những người xung quanh. Tôi muốn có thể thay đổi ít nhiều điều này ở con. Tuổi 17 khó áp đặt nên tôi sẽ sống tốt làm gương, gieo hạt mầm vào tâm hồn con như một cách tác động gián tiếp và hy vọng con nhận ra.
Thuý Ái thừa hưởng từ bố khả năng tính toán, biết làm ăn. Hai năm nay dịch bùng phát, con mày mò mua đồ second-hand, chụp ảnh và đăng trên mạng xã hội. Từ đó, bán kiếm lời rồi xoay vòng vốn. Gần đây, con nhận thiết kế phòng online cho các bạn đồng trang lứa. Đây là cách con thực tập công việc trong tương lai là Interior Design kết hợp ngành môi giới bất động sản. Mỗi lần hoàn thành và lời vài trăm bath, con tích góp dần, sau đó thành số tiền lớn hơn nên hứng khởi lắm! Thấy vậy, tôi dặn dò rằng con kiếm tiền nhưng đừng bị áp lực, không nên đánh đổi bằng sức khỏe. Vì dù có nhiều tiền, con không thể chữa trị, hồi phục sức khỏe như ban đầu hay hưởng thụ trọn vẹn những đồng tiền ấy.
- Anh chị dạy dỗ con gái ra sao khi con trải qua giai đoạn tuổi teen?
- Vợ chồng chúng tôi luôn cùng quan điểm trong nuôi dạy con, đặc biệt là vấn đề giới tính. Không biết các ông bố bà mẹ khác như thế nào nhưng tôi muốn con được trang bị đầy đủ những kiến thức về giới tính, sinh sản. Đây là cách tránh những hậu quả sau này cho con nếu bố mẹ cứ ngăn cấm hay ngại ngùng trao đổi vấn đề nhạy cảm này.
Ngay cả nếu con muốn qua nhà bạn chơi, tôi lẫn ông xã hoàn toàn đồng ý song âm thầm theo dõi con có thực hiện đúng như đã xin phép hay không. Chúng tôi cởi mở, thoải mái nhưng không dễ dãi với con. Để có được sự tin tưởng từ bố mẹ, con phải có trách nhiệm với hành động lẫn lời nói của mình. Khi một gia đình có đầy đủ sự tôn trọng, tin tưởng dành cho nhau giữa các thành viên, nơi đó mới đầy ắp tình cảm yêu thương.
Về phần mình, tôi chuẩn bị sẵn tâm lý trước lúc con bước vào tuổi dậy thì. Do đó, khi con phát triển những cá tính riêng, tôi không cảm thấy sốc hay buồn bã. May mắn, hiện con trưởng thành, chín chắn. Tương lai xa hơn, tôi cũng không kỳ vọng con mình trở nên giàu có, chỉ mong con thành nhân, sống có ích cho xã hội.
- Vì sao chị không sinh thêm con?
- Khi bé Ái khoảng hai tuổi, tôi bắt đầu lên kế hoạch sinh thêm con, chuẩn bị kỹ lưỡng sức khỏe. Tuy nhiên, tôi không thụ thai. Sau khoảng 8 năm chờ đợi như thế, một ngày nọ, ông xã trao đổi với tôi rằng có lẽ nên ngừng lại chuyện sinh nở. Bởi cả hai đã lớn tuổi, áp lực chăm sóc và chi phí học tập cho một đứa con là quá lớn. Trong khi, chúng tôi muốn dành những điều kiện học tập tốt nhất cho con giống như với Thúy Ái. Lắng nghe lời tâm sự của anh, tôi thấu hiểu và chấp nhận xem như đó là duyên số.
Nhiều người lo lắng nhà có con một, lỡ có vấn đề gì xảy ra thì như thế nào. Tôi hoàn toàn hiểu tâm lý đó. Nhưng tôi quan niệm mỗi người có phần số riêng, nên hãy sẵn sàng đón nhận, không nên lo lắng quá nhiều. Chúng ta hãy cứ sống trọn vẹn từng giây phút, trân trọng hiện tại để không có bất cứ điều gì phải hối tiếc.
Tôi cũng không lo nghĩ chuyện con gái sau này bay cao bay xa, chỉ còn hai vợ chồng sống bên nhau. Mình không thể ích kỷ bắt con cái phải phụng dưỡng bố mẹ lúc về già. Nhưng để chuẩn bị cho tương lai đó, dĩ nhiên từ bây giờ vợ chồng tôi trang bị đầy đủ từ sức khỏe đến tinh thần, thậm chí cả kinh tế tài chính. Hy vọng cả hai có thể an hưởng tuổi già, tự do tự tại.
- Suốt 13 năm ở Thái Lan, đâu là giai đoạn thử thách với chị?
- Tôi nghĩ đó là việc xây dựng và phát triển nhà hàng chuyên món Việt ở Bangkok năm 2012. Ban đầu, tôi tuyển và đưa nhiều đầu bếp từ Việt Nam sang Thái thử việc mới tìm được team phù hợp, hợp tác hiệu quả. Rồi hàng ngày, cứ 4h sáng, tôi rong ruổi một chợ đầu mối lớn ở Bangkok, tự tay lựa từng nguyên liệu tươi ngon nhất cho một ngày mới buôn bán. Mà lúc đó, mình đâu rành tiếng Thái, điện thoại thông minh chưa phổ biến. Có lúc nản quá, tôi vào một ngôi đền trong chợ, thắp nhang cầu nguyện. Vậy mà vừa ra khỏi đền, tôi lại tìm thấy ngay món đồ muốn mua. (cười)
Thời gian đầu, mọi thứ ở nhà hàng chưa vô nền nếp vận hành, tôi gần như làm hết mọi việc từ nhận đặt món, tính tiền, phiên dịch cho bếp Việt - Thái hiểu nhau, đứng đọc đơn đặt hàng trong bếp và ngay cả đến cọ rửa toilet. Trải qua khoảng hai năm vất vả như thế, tôi thấy mình trở nên đa tài. Đúng là nghề chọn mình. Nhiều lúc ngẫm nghĩ, sau này nếu có sa cơ lỡ vận, kinh tế khó khăn, miễn còn sức khỏe, tôi sẽ không ngại đi rửa chén, bưng bê kiếm sống qua ngày.
Chưa kể, mình làm ngành dịch vụ nên gặp đủ thể loại khách hàng. Có những thực khách có tâm trạng không tốt, họ bước vào quán và trút sự giận dữ lên nhân viên phục vụ dù lỗi không quá lớn. Nhiều hôm, tôi đích thân ra xin lỗi xoa dịu mọi chuyện nhưng người đó còn không thèm nhìn mặt tôi. Lúc đó, tôi chỉ cầu mong nhà hàng không bao giờ gặp những người khách như vậy. Đồng tiền ai cũng cần, nhưng nếu đồng tiền phải đánh đổi bằng sự hằn học, thái độ tiêu cực của khách thì tôi không muốn đón nhận. Kể ra điều này, tôi mong mọi người cần học cách kiềm chế cảm xúc, đừng "giận cá chém thớt" lên những người không liên quan.
- Covid-19 gây ra những ảnh hưởng gì đến cuộc sống và công việc của chị?
- Gia đình tôi đi Phuket cho con gái nghỉ hè và kẹt lại đến hiện tại. Cuộc sống ổn định vì chúng tôi thuê căn hộ lâu dài. Mỗi sáng, tôi dậy sớm, tập yoga, hít thở khí trời và cầu nguyện những điều bình an cho mọi người. Thỉnh thoảng, tôi ra ngoài mua thực phẩm, trái cây và có cơ hội tìm hiểu đời sống người dân địa phương. Có thời gian rảnh, tôi cùng con gái xem phim.
Nhà tôi chưa được chích vaccine do công dân nước ngoài không nằm trong diện ưu tiên. Đợt chích đầu tháng 8 tại Bangkok do trường học con gái tài trợ thì chúng tôi đã bỏ lỡ vì không về kịp. Lúc này, cả nhà đành chờ đến đợt chích từ nơi khác sẽ diễn ra vào tháng 10.
Về kinh doanh, do có một nhân viên dương tính Covid-19 nên buộc lòng tôi phải đóng cửa nhà hàng một thời gian theo quy định. Tôi không bị áp lực, ngược lại xem đó là điều cần thiết nhằm tránh những thiệt hại nặng nề hơn. Hiện nhà hàng đã mở cửa kinh doanh trở lại và tôi điều hành từ xa.
- Sống ở nước ngoài, nỗi nhớ quê hương trong chị như thế nào?
- Tôi luôn muốn gìn giữ những giá trị truyền thống. Sang Thái Lan, tôi vẫn mặc áo dài, áo bà ba đi làm mỗi ngày ở nhà hàng hay lúc đi lễ ở chùa, nhà thờ. Cứ về Sài Gòn, tôi đều đặt may hay mua áo dài may sẵn. Tôi tự hào xen lẫn hạnh phúc vì sở hữu một bộ sưu tập áo dài từ các nhà thiết kế: Lê Thanh Phương, Chương Đặng, Lê Minh Khoa...
Điều đáng tiếc. con gái tôi không thích mặc áo dài trong ngày lễ truyền thống. Từng có lúc, tôi và ông ngoại của bé thẳng thắn nói chuyện, thậm chí giận bé. Sau này tìm hiểu, tôi biết bé bị nóng nực, bực bội do diện áo dài suốt ngày. Thành ra đây lại là lỗi của mình từ ban đầu không tìm hiểu con cái suy nghĩ điều gì. Tuy nhiên, tôi hy vọng con gái sẽ hiểu và thay đổi.
Thủy Tiên sinh năm 1979, từng đăng quang cuộc thi Hoa khôi Học đường 1994. Từ đó cô bắt đầu hoạt động với vai trò người mẫu, là thành viên nổi bật của câu lạc bộ Thời trang Hoa Học Đường (thuộc Nhà Văn hóa Thanh niên TP HCM), xuất hiện trên nhiều ấn phẩm báo chí, quảng cáo, lịch. Ngoài ra, người đẹp tham gia một số phim: Tổ yến, Mặt trận không tiếng súng, Đêm ước nguyện, Vầng trăng bị che khuất. Năm 2003, Thủy Tiên kết hôn với ông xã người Nhật Bản và xem đó là "duyên trời định". Cô dần rút lui khỏi showbiz, sang Thái Lan sống và tập trung vun vén tổ ấm nhỏ. |
Tin cùng mục Hậu trường
Tin mới nhất