Khi các ngân hàng quảng bá thương hiệu qua concert

Chuyện 24h Thứ 5, 22/05/2025 16:21:07 PM Theo Báo Lao Động

Concert “Anh trai say hi”. Ảnh: Đại diện nhà sản xuất cung cấp

Sân khấu vàng cho các thương hiệu

Chỉ riêng 4 chương trình nổi tiếng là “Anh trai vượt ngàn chông gai”, “Anh trai say hi”, “Chị đẹp đạp gió”, “Em xinh say hi” đã có 4 ngân hàng lớn “rót vốn” đầu tư. Sắp tới, một doanh nghiệp trong lĩnh vực ngân hàng cũng tổ chức concert mời G-Dragon và các ngôi sao KPop về biểu diễn tại sân Mỹ Đình, Hà Nội.

Những đêm nhạc quy mô, sân khấu hoành tráng và quy tụ dàn sao nổi tiếng sẽ tạo ra một môi trường đặc biệt nơi các thương hiệu có thể kết nối với người tiêu dùng thông qua cảm xúc. Khi một ngân hàng “chơi lớn” mời G-Dragon về Việt Nam biểu diễn, họ cùng với nghệ sĩ phủ sóng trên mặt trận truyền thông, tăng độ thảo luận, thậm chí tạo “trend” từ bông hoa cúc của thủ lĩnh Big Bang.

Chuyên gia truyền thông Lê Thơm - Giảng viên Học viện Hành chính và Quản trị công - nhận định, ngân hàng mời G-Dragon về Hà Nội không đơn thuần là thuê một nghệ sĩ quốc tế mà là một chiến lược bài bản nhằm tối đa hóa lợi thế cạnh tranh và tỉ suất hoàn vốn (Return On Investment).

“G-Dragon có người hâm mộ ở châu Á và toàn cầu, nhờ vậy ngân hàng có thể mở rộng tệp từ khách hàng nội địa sang nhóm người dùng quốc tế. Hình ảnh “bông hoa cúc khuyết cánh” gắn với G-Dragon gây sốt chỉ sau vài giờ. Thay vì phải chi hàng trăm triệu đồng cho quảng cáo số, ngân hàng đạt được hàng triệu lượt tương tác tự nhiên với chi phí trên mỗi lượt tương tác thấp hơn nhiều so với kênh truyền thông trả phí truyền thống hay sự kiện trong nước.

G-Dragon có hình ảnh phong cách, sáng tạo và mang đẳng cấp quốc tế. Khi ngân hàng hiện diện bên nghệ sĩ trên sân khấu, khán giả lập tức liên kết thương hiệu đó với những giá trị tương tự như sự năng động, tiên phong và khác biệt”.

Chuyên gia đánh giá, việc hợp tác với concert và ngôi sao giải trí đang tạo ra cuộc cách mạng về truyền thông cho ngân hàng.

Quảng cáo đánh vào cảm xúc và trải nghiệm của khán giả

Khi hàng chục nghìn khán giả thuộc lòng và cùng hô vang khẩu hiệu gắn liền với thương hiệu, có thể thấy thương hiệu đó không đơn thuần chỉ là nhà tài trợ mà đã trở thành người bạn đồng hành quen thuộc.

Trấn Thành từ thành công vang dội của “Anh trai say hi” đã bắt tay với đơn vị tài trợ để sản xuất phim “Bộ tứ báo thủ”. Trong tác phẩm hơn 300 tỉ đồng doanh thu của Trấn Thành, các tình huống liên quan đến dịch vụ của ngân hàng này được tích hợp vào cốt truyện, cài cắm trong câu thoại của nhân vật chính.

Tận dụng sức nóng của các chương trình giải trí đình đám, những doanh nghiệp tài trợ tiếp tục hợp tác với dàn “anh trai”, “anh tài” để giới thiệu các dịch vụ đến khán giả trẻ vốn đang dành sự quan tâm lớn.

Còn 1 tháng trước khi G-Dragon về Việt Nam biểu diễn, nhưng khán giả Việt đã sẵn sàng mở thẻ ngân hàng để có ưu đãi mua vé. Nửa năm qua, hàng nghìn bạn trẻ sử dụng dịch vụ của một ngân hàng để hàng ngày có cơ hội quay ngẫu nhiên trúng vé concert “Anh trai vượt ngàn chông gai”. Còn nhớ hồi năm 2024, hàng nghìn người hâm mộ Taylor Swift ở Việt Nam đã đổ xô đăng ký mở thẻ ngân hàng của Singapore, để đổi lấy quyền mua vé concert trước tiên.

Các ngân hàng nhắm đến đối tượng người trẻ phải nhanh chóng biến trải nghiệm âm nhạc thành lợi ích thực tế để giữ chân khách hàng. Bởi lẽ, gen Z lớn lên cùng internet, mạng xã hội và nhạy bén với công nghệ. Họ ưa thích trải nghiệm cá nhân hóa, đưa ra quyết định nhanh và không ngại thay đổi nếu thấy giá trị ngay lập tức.

Chuyên gia Lê Thơm cho rằng, việc hợp tác với nghệ thuật, giải trí mang lại lợi thế lớn về cảm xúc và trải nghiệm, giúp thương hiệu được nhớ đến một cách tự nhiên và sâu sắc hơn. Nhưng để thành công, doanh nghiệp cần chọn lựa đối tác phù hợp, đảm bảo giá trị và hình ảnh của nghệ sĩ hay sự kiện phải tương thích với định vị thương hiệu.

 

Tags:
Ý kiến bạn đọc