Gia đình Thứ 5, 19/03/2020 22:09:03 PM Theo Vnexpress, The Guardian
“Cảm giác này thật kì lạ nhưng tôi nghĩ mình có thể thích nghi được”, François Cornet, 31 tuổi, nói khi đang vội vã về nhà với cậu con trai 7 tháng.
Lúc đó là 12h30 ngày 17/3, nửa giờ sau khi lệnh phong tỏa có hiệu lực. Cornet đi trên đường Martyrs ở quận 9 của Paris, một con đường vốn là nơi mua sắm nhộn nhịp giờ chỉ còn vài người đi bộ, tay cầm bánh mì và các túi đồ ăn, tạp hóa.
Một người đang chạy bộ trên đường phố vắng vẻ ở Paris trưa 17/3. Ảnh: AP |
Chàng trai 31 tuổi cho biết, khi có lệnh phong tỏa, anh và vợ, chị là Suyaka Sudre, 29 tuổi đã tranh luận rất lâu về việc có nên rời Paris về quê sống hay không.
"Cuối cùng, chúng tôi quyết định không. Mọi người đều đã cao tuổi, chúng tôi không muốn có nguy cơ lây nhiễm cho họ. Chúng tôi sẽ ở lại xem dịch bệnh diễn ra thế nào", anh nói.
Các quán cà phê, quán bar, nhà hàng và các cửa hàng không bán đồ thiết yếu của Pháp đã được lệnh đóng cửa từ nửa đêm 14/3. Tối 16/3, trên kênh truyền hình quốc gia có 35 triệu người theo dõi, ông Macron thông báo các biện pháp mới. Bài phát biểu của ông lặp lại tới 6 lần rằng "đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh".
Lệnh phong tỏa có hiệu lực trong ít nhất hai tuần. Bất cứ hành vi vi phạm nào cũng có thể bị phạt từ 38 euro đến 135 euro. Tổng thống Pháp nói: "Tôi biết những gì tôi đang yêu cầu các bạn là chưa từng có, nhưng hoàn cảnh đòi hỏi như vậy. Kẻ thù ở đó: nó vô hình, khó nắm bắt, nhưng đang phát triển".
Bộ trưởng Nội vụ, ông Christophe Castaner, cho biết 100.000 cảnh sát sẽ được triển khai để thực thi lệnh phong tỏa. Nhiều trạm kiểm soát được thiết lập trên toàn quốc. Bất kỳ ai ở ngoài đều phải khai lý do vào một mẫu đơn được tải xuống từ trang web của Bộ Nội vụ. Họ phải tuyên bố bằng danh dự rằng họ làm vậy vì có lý do được cho phép.
Tuy nhiên, không phải ai cũng tôn trọng lệnh phong tỏa. Bà Yvonne Carmoins, 67 tuổi, cho biết: "Tôi có xe đẩy mua sắm, một con chó và đơn thuốc của bác sĩ. Đó ít nhất là ba lý do hợp lý để được ra ngoài. Nếu họ cố gắng bắt tôi về nhà, họ sẽ bị quở trách".
Trước giờ lệnh phong tỏa có hiệu lực, một số lượng lớn người Paris đã đổ xô đến các ga tàu hoặc tự lái xe về quê. Vừa chất vali và các túi đồ lên xe, Marc Becker, 49 tuổi, giám đốc nhân sự của một công ty kỹ thuật, càu nhàu: "Tôi sẽ không ở yên trong căn hộ 50m2 với hai con dưới 12 tuổi khi chúng tôi có một ngôi nhà vườn cách đây chỉ 90 phút lái xe". Người đàn ông này cho biết, ông sẽ làm việc tại nhà còn vợ ông, bà Anne, một giáo viên trung học, sẽ dạy trực tuyến vì trường học cũng đã đóng cửa. "Tình trạng này sẽ kéo dài vài tuần", ông nói.
Những người ở lại Paris thì đổ xô tới các cửa hàng tạp hóa và siêu thị để mua gạo, mì ống, rau đóng hộp và sữa có hạn sử dụng lâu mặc dù các cửa hàng thực phẩm, hiệu thuốc và ngân hàng vẫn mở cửa trong thời gian phong tỏa.
Khách hàng giữ khoảng cách an toàn với nhau khi chờ bên ngoài tiệm bánh Condorcet. Ảnh: The Guardian. |
Bên ngoài siêu thị Carrefour trên đường Maubeuge, hàng người đứng cách nhau một cánh tay, kiên nhẫn chờ đợi. "Họ cho khoảng 5 hoặc 10 người vào một lúc. Tôi đã chờ 25 phút. Nếu điều này trở thành bình thường trong cuộc sống mới, tôi không biết người Paris sẽ chịu được bao lâu", Marianne Garçon, 28 tuổi, cho hay.
Các cửa hàng thực phẩm nhỏ hơn chỉ cho phép một hoặc hai người mua một lúc. Các nhân viên của họ đều đeo khẩu trang. Biển hiệu ngoài cửa ghi: "Thưa quý khách hàng: vui lòng giữ khoảng cách an toàn, tối thiểu một mét khi chờ đợi. Ngoài ra, vui lòng không tiếp xúc khi thanh toán. Chúng tôi đang thiếu nhân viên, vì vậy xin lỗi đã để các bạn phải chờ. Nhưng vẫn hân hạnh được đón tiếp".
Tính đến hết ngày 17/3, Covid cướp mạng sống của 148 người và lây bệnh cho 7.661 người Pháp. Các chuyên gia dự đoán số ca mắc sẽ tăng mạnh trong những tuần tới.
Tin cùng mục Gia đình
Tin mới nhất