Tết của những gia đình 'tứ đại đồng đường'

Gia đình Thứ 2, 27/01/2020 22:07:52 PM Theo Vnexpress

HÀ NỘI - Đêm 30 Tết, cụ Bồng (83 tuổi, ở Đội Cấn) mặc áo vest, nắm tay cụ bà mặc áo dài đỏ, trang điểm như thời con gái, ra sân đình chơi, đợi đến giao thừa về xông đất.

"Bà nhà tôi vào trước, rồi đến lượt tôi. Con cháu phải ở yên trong nhà, hoặc đi chơi thì cũng phải vào sau ông bà. Tục lệ đó chưa một lần thay đổi", cụ Bồng kể về truyền thống đón Tết của gia đình. 

Trong lễ giao thừa, các con, cháu xếp sau hai cụ, thắp hương khấn tổ tiên. Người con trai cả sẽ mừng tuổi, chúc thọ cha mẹ, các con, cháu theo thứ tự từ lớn tới bé lì xì và nhận lì xì từ người trên.

Nhà cụ Bồng có bốn con trai (một người là liệt sĩ) và bốn con gái. Vợ chồng cụ sống cùng con, cháu của con trai trưởng. Nhà các con còn lại đều đã ra ở riêng. Với vợ chồng ông lão người Tràng An, Tết vẫn là dịp  đoàn tụ thiêng liêng. "Đứa nào cũng bận bịu. Tiếng là gần nhau, nhưng mấy khi được gặp mặt đầy đủ. Thế thì chỉ có Tết thôi", cụ nói và cho biết, từ hàng trăm năm qua, truyền thống đón Tết của gia đình gần như không có gì thay đổi. 

Từ đầu tháng Chạp, căn nhà cấp bốn, rộng hơn 60 m2, trên phố Đội Cấn của bốn thế hệ trong gia đình được quét ve mới. Tính từ đời ông bà, đến thế hệ của vợ chồng cụ Bồng đã có trên 100 năm sống ở đây. "Ở phố này, cũng nhiều người bằng tuổi tôi có chắt, nhưng bốn thế hệ sống chung một nhà, ăn chung một mâm thì còn có mỗi gia đình này", ông giáo về hưu, từng 30 năm làm tổ trưởng tổ dân phố nói. 

Ngày 25 tháng Chạp trở đi, cụ Nguyễn Thị Nhàn, 83 tuổi, vợ cụ Bồng và con, cháu đã tất bật mua sắm thực phẩm, hoa quả để thờ cúng gia tiên. Quất, hoa lay ơn, violet là những loại không thể thiếu cho ngày xuân của gia đình "tứ đại đồng đường" này.

"Cứ đúng 28 Tết là chuẩn bị gạo nếp. Con gái rửa lá dong, thái thịt, con trai, con rể gói bánh. Lũ trẻ con tíu tít tập tành gói theo. Bánh lên bếp, tối mọi người đều ngồi quanh nồi trò chuyện. Thế là có Tết", cụ Bồng nói.

tet cua nhung gia dinh tu dai dong duong
Từ đầu tháng Chạp, gia đình cụ Bồng đã trang hoàng lại nhà cửa, lau chùi bàn thờ, bát nhang. Ảnh: Phạm Nga.


Mâm cơm ngày Tết đã được giản lược nhiều nhưng không thể thiếu món canh măng nấu chân giò, các loại giò, xôi, con gà ngậm hoa hồng, canh bóng bì lợn. "Măng nấu canh phải là măng vầu, được thái vát cầu kỳ. Bát canh bóng tuy chẳng có gì sang trọng, nhưng nó thanh mát, thứ hàng chục năm qua không thể thiếu trong ngày Tết", cụ Nhàn kể.

Mùng hai là ngày đoàn tụ của đại gia đình cụ Bồng với sáu mâm cơm quây quần. ­­"Trước đây, tem phiếu phải dồn vài tháng lại cuối năm để ngày Tết đủ đầy. Giờ chẳng thiếu thứ gì, nên cỗ bàn cũng đơn giản hơn. Chủ yếu là gặp gỡ, trò chuyện để dâu mới, rể mới biết gốc gác, tổ tiên", cụ nói.

Cách nhà cụ Bồng khoảng 6 km, trên phố cổ Hà Nội, là gia đình "tứ đại đồng đường" của cụ Nguyễn Thị Tề, 85 tuổi. "Còn tôi là còn cái gốc của gia đình. Nhà tôi ba trai, hai gái. Hiện các gia đình ba người con trai, cháu, chắt nội vẫn sống trong căn nhà số 24 Hàng Cân này", cụ Tề chậm rãi nói, khuôn miệng khẽ hé mở, để lộ hàm răng đều tăm tắp.

Chồng qua đời cách đây 18 năm nhưng cụ vẫn dặn dò con cháu giữ gìn truyền thống của người Hà Nội cũ: từ cách ăn mặc, lễ tiết, gia phong. Các con vẫn xưng "con" và "mợ". Ba ngày Tết, cụ và các con gái, con dâu, các cháu đều mặc áo dài truyền thống. "Hôm vừa rồi tôi mới dọn tủ, biếu bớt rồi, mà vẫn còn 17 bộ áo dài", cụ cười nói.

tet cua nhung gia dinh tu dai dong duong
Vợ chồng cụ Nguyễn Thị Tề trong một cái Tết cách đây hơn 40 năm. Ảnh: Gia đình cung cấp.


Cứ 20 tháng Chạp, ngôi nhà ba tầng nhiều mảng tường bong tróc vì thời gian lại được trang hoàng bằng những tấm phông màu. Một cây đào, một cây quất lớn được đặt ở phòng khách vỏn vẹn 15 m2. Cụ Tề mặc áo dài, cùng các con dâu, con gái đi sắm Tết. Các cháu dâu lo nguyên liệu làm mứt, làm bánh, các con chuẩn bị hoa violet tím, hoa lay ơn, thược dược. Riêng cụ Tề, để yên tâm, cụ đảm nhiệm thực phẩm cho bữa cỗ đêm 30 và ba ngày Tết.

Trước đây, mâm cỗ ngày Tết của gia đình cụ Tề, như những gia đình Tràng An khác, phải đủ 4 bát (canh măng, bóng bì, canh mực khô, bát miến), 6 đĩa (không thể thiếu giò lụa, giò bò, giò xào, bánh chưng xanh,...). "Bây giờ, các món đã phải bỏ bớt, nhưng bát canh măng, bát canh bóng, bánh chưng và đĩa giò lụa thì năm nào cũng phải có. Mỗi bát đều tỉa hoa, trang trí sao cho đẹp mắt", cụ Tề kể.

Khi cụ ông còn sống, sau khi cúng giao thừa, các con, cháu sẽ theo hai cụ ra đền Ngọc Sơn hái lộc, thắp hương. Những năm gần đây, tục lệ đó được "phiên phiến" cho thanh niên đi chơi.

"Ai muốn đi đâu thì đi, nhưng đúng 5 giờ sáng là phải có mặt ở nhà để chuẩn bị cỗ. Trước 10 giờ ngày mùng một Tết, ba mâm cơm gia tiên phải đầy đủ trên bàn thờ các cụ", bà Nguyễn Thị Kim Quy, con dâu trưởng của cụ Tề cho biết.

Ngày mùng một Tết cũng là ngày gia đình sum họp. Ba con trai sẽ mừng tuổi, chúc thọ mẹ, sau đó đến lượt các con dâu, con gái, cháu, chắt. Sau đó, cụ sẽ cùng các con về quê ở làng Cót, Yên Hòa, Cầu Giấy lễ gia tiên, thăm hỏi hàng xóm, láng giềng. 

tet cua nhung gia dinh tu dai dong duong
Tết của những gia đình tứ đại đồng đường - 2Cụ Tề ở tuổi 85, chỉn chu với trâm cài tóc, khăn quàng cổ như những phụ nữ Hà thành xưa. Ảnh: Phạm Nga.


Dù nặng lòng với truyền thống gia đình, nhưng cụ Tề tính, ít năm nữa, khi già yếu, cụ sẽ bán ngôi nhà số 24 Hàng Cân, để chia cho con cháu có cuộc sống theo nhu cầu mới. "Con cháu ngày một sinh sôi. Không thể ở mãi trong một căn nhà này được. Đấy là quy luật tất yếu", cụ nói.

Cũng như bà lão 85 tuổi, vợ chồng cụ Bồng cũng sẽ gìn giữ hạnh phúc của gia đình "tứ đại đồng đường" đến khi nhắm mắt, xuôi tay. "Còn về đời con, đời cháu, mình cũng sẽ không thể tính hết được", cụ Bồng chậm giọng.

Ý kiến bạn đọc