Hà Anh 'lòng như lửa đốt' khi luyện ngủ cho con

Gia đình Thứ 2, 25/05/2020 14:12:08 PM Theo Ngôi sao

Bé Myla - con gái Hà Anh từng khóc liền 2 tiếng đồng hồ khi không thấy bố mẹ chạy vào phòng vỗ về, đưa bé vào giấc ngủ như trước.

Hà Anh lòng như lửa đốt khi luyện ngủ cho con 

Hà Anh và con gái Myla. 

Trước đây, Hà Anh thường dỗ dành con gái Myla ngủ thay vì để con tự chìm vào giấc ngủ. "Lý do vì tôi rất yêu thích việc được bồng bế con, cho con bú, ngắm con ngủ say. Dù cho con ngủ vất vả nhưng tôi vẫn cố chịu, không nỡ để con phải khóc đến khi tự chìm vào giấc ngủ", chị bộc bạch.

Tuy nhiên, Hà Anh phải thay đổi cách cho con ngủ khi bé đạt khoảng 12-13 kg, khiến bố mẹ không thể bồng bế trên tay, trên vai quá 10 phút. "Vai và lưng tôi lúc nào cũng mỏi, nhức. Còn Myla không ngủ được xuyên đêm. Lúc nào cũng dậy đòi bú giữa đêm, tiếp tục tỉnh lúc 4h30 nên mẹ mệt mà con cũng mệt", chị chia sẻ. Vì thế, chị quyết định luyện ngủ (*) cho con gái Myla khi bé tròn 11 tháng tuổi. Chị thừa nhận mình luyện nếp ngủ cho con ở thời điểm khá muộn, khi bé đã biết đi, biết nhận thức và khó thư giãn, ngủ sâu hơn so với những tháng đầu đời.

"Tôi nghĩ 3 - 4 tháng đầu đời của bé là giai đoạn để bé tập thích nghi với cuộc sống bên ngoài. Vai trò của người mẹ lúc này là ôm ấp con, cho con bú, nhẹ nhàng trò chuyện với con, trao cho con tình yêu, sự an toàn. Những tháng đầu bé bú mẹ cũng thật kỳ diệu, mẹ và con có thể kết nối tình cảm, nằm cạnh nhau, mẹ đưa con vào giấc ngủ. Với cá nhân tôi đây là trải nghiệm tuyệt vời", chị nói. Vì thế, theo Hà Anh giai đoạn lý tưởng để luyện ngủ cho con nhỏ là khi bé được 5-7 tháng tuổi. 

Để luyện ngủ thành công cho Myla, Hà Anh tham khảo cách làm từ sách 7 ngày thiết lập nếp ngủ cho bé, tổng hợp thông tin từ nhiều nguồn trên internet. Hà Anh áp dụng hai phương pháp để con tự ngủ. Phương pháp đầu tiên là chấm dứt hẳn việc bồng bế, dỗ dành con. Chị chờ tới khi con gái buồn ngủ, cho bé vào cũi, nói với bé: "Myla đi ngủ nhé! Yêu con!" và bước ra khỏi phòng riêng của bé. "Bố mẹ để cho con khóc, đòi đến khi chán thì cơn buồn ngủ ập tới và bé sẽ tự ngủ. Sau một vài đêm, con sẽ tập được cách tự ru mình vào giấc ngủ", chị chia sẻ.

Tuy nhiên, trải nghiệm này không hề dễ dàng với siêu mẫu. Những ngày đầu nghe con khóc, Hà Anh rất xót ruột, cảm giác như có người đấm vào bụng, cào cấu vào tâm can mình. Chị tự nhủ mình phải vững lòng vì nếu đầu hàng, tự chạy vào bế con đung đưa, vỗ về là bao công sức của bố mẹ trước đó đều thành "công cốc". Trong lúc con khóc, hai vợ chồng Hà Anh ngồi im lặng nghe tiếng con, mở sách luyện ngủ cho con để đọc, để được trấn an trong lúc "lòng như lửa đốt". Chị nhớ có lần Myla khóc liền 2 tiếng đồng hồ, khản giọng, toát hết mồ hôi rồi mới chìm được vào giấc ngủ.

Phương pháp thứ hai mà chị thử nghiệm là chạy vào phòng con sau khi con khóc một lúc. Chị chờ đủ 5 phút sau mới vỗ về con gái, không bế và đi ra ngoài. Nếu bé vẫn còn khóc sau 10 phút, mẹ tiếp tục lặp lại hành động vỗ về và đi ra ngoài. Mục đích của phương pháp này là cho con biết mẹ vẫn ở gần bên, giúp bé yên tâm. "Nhưng nói thực, mỗi lần tôi vào với con, tình hình càng trở nên tệ hơn. Myla tưởng mẹ vào bế, nên khi thấy mẹ đi ra ngoài càng khóc lớn. Bé vừa gắt ngủ, vừa hờn giận vì mẹ đánh lừa bé", chị kể. Vì thế, Hà Anh quyết định chấm dứt hẳn việc vỗ về con vì điều này khiến con mệt mỏi hơn, gửi đến bé tín hiệu không rõ ràng, làm cho quá trình luyện ngủ thêm khó khăn.

Các trở ngại mà Hà Anh tiếp tục gặp phải khi luyện ngủ cho con là bé tự tỉnh giấc giữa đêm khóc đòi bố mẹ. Lúc này, chị rất bối rối không biết xử trí ra sao. Chị phải vào phòng, vỗ về con ngủ say nhưng đến khi dừng lại, con tiếp tục thức giấc và khóc. Do đó, chị tiếp tục thay đổi cách làm. Chị không chạy vào phòng con để vỗ về bé ngay lập tức mà chờ con khóc 5-10 phút, con sẽ tự quay về giấc ngủ.

Thử thách lớn hơn mà Hà Anh đối mặt là Myla còn có các cữ ăn đêm, làm giấc ngủ của bé bị xáo trộn và khiến việc luyện ngủ khó đi vào nề nếp. Bé bú bình lúc 0h, 2h và tới 4h30 tỉnh giấc, chơi đến 6h30 rồi bú bình và ngủ. "Lúc này, tôi rất muốn cai các cữ ăn đêm của con nhưng lo con không ăn sẽ bị đói và không chịu được. Nhưng từ khi luyện ngủ, con không còn muốn bú bình lúc 0h và dần dần quên hẳn cữ ăn đêm tiếp theo lúc 2h. Khi dừng ăn đêm, bé ngủ ngon đến 6h. Khi đó, tôi hiểu là không phải con đói mà đòi ăn đêm, mà là vì con cần ăn để ngủ được. Khi đã ngủ được thì con tự bỏ sữa", chị chia sẻ.

Một vài tình huống phát sinh khác mà vợ chồng chị gặp phải là trong lúc Myla ngủ, con bị "đi nặng" hoặc trớ. Vợ chồng Hà Anh mở đèn sáng, nhanh chóng lau, thay tã, quần áo cho con, không trò chuyện rồi thả lại con vào cũi, lặp lại thông điệp "Ngủ ngon nhé!". 

Sau 8, 9 ngày được luyện ngủ, Myla đã biết tự ru mình vào giấc ngủ kéo dài từ 19h30 tới 6h30 hoặc 7h ngày hôm sau. Theo chị, để luyện ngủ cho con hiệu quả, bố mẹ cần đưa tín hiệu rõ ràng, đơn giản, giống nhau. Thứ tự các bước luyện ngủ gồm: con được bố mẹ chuẩn bị các bước trước khi ngủ, được thay đồ, cùng bố mẹ đọc sách, con buồn ngủ được thả vào cũi trong phòng tối, bố mẹ chào bé và đi ra ngoài. 

Hiện tại, Myla rất dễ ngủ, chỉ cần bố mẹ thả vào cũi, bé sẽ xoay người ôm gà bông chờ tới khi cơn buồn ngủ ập đến. "Dù có lúc con xoay qua, xoay lại từ 15 đến 20 phút nhưng bé không khóc, không đòi mẹ, nằm ngoan thư giãn. Khi bé tỉnh dậy cũng rất ngoan, vui vẻ không quấy khóc, tự nằm chơi khoảng 20 phút rồi mới gọi mẹ bế ra ngoài", chị kể.

Khi đi du lịch, Hà Anh vẫn cố giữ nếp ngủ tốt cho con, chỉ điều chỉnh theo múi giờ. Lúc ban ngày, chị cho con chợp mắt khoảng 30 phút buổi trưa, không cho con ngủ quá lâu để tối bé có thể đi ngủ đúng giờ. Khi về tới nhà, bé có thể ngủ tối muộn hơn hàng ngày 1-2 tiếng nhưng điều này là bình thường. Hà Anh khuyên bố mẹ cần kiên trì luyện ngủ lại cho con và chỉ mất khoảng 1-2 hôm để con lặp lại việc đi ngủ đúng giờ. 

*Luyện ngủ là cho con thời gian, cơ hội để học kỹ năng tự ru mình vào giấc ngủ, thay vì phải bú mẹ, ngậm ti giả, bú bình, đu đưa, rung lắc... để đưa bé vào giấc ngủ. Bố mẹ cần luyện ngủ cho bé nếu thói quen, nếp ngủ của con làm ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, nếp sống gia đình. Bé bị thức dậy thường xuyên khiến giấc ngủ không trọn vẹn, mỗi lần dậy mệt mỏi không ngủ tiếp được nên quấy khóc. 

Ý kiến bạn đọc